Tỷ giá 2020 khó lường do gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam sang Mỹ
Ổn định tỷ giá chính là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trong điều hành kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019. Nhìn lại đường đi của tỷ giá trung tâm trong năm 2019, đan xen các đợt điều chỉnh tăng là những lần đi ngang khi tỷ giá giao dịch trên thị trường nổi sóng. Đây được xem là “nghệ thuật” điều hành của NHNN trong việc ổn định tâm lý thị trường.
Trong năm 2019, tổng lượng cung ngoại hối duy trì ổn định là điểm nhấn chính giúp điều tiết tỷ giá cũng như tăng dự trữ ngoại hối lên trên 73 tỷ USD. Trong khi lượng tiền kiều hối ước đạt 16 tỷ USD, dòng vốn FDI giải ngân đạt 20 tỷ USD, tăng trưởng 8%/năm.
Nhìn lại giai đoạn 2017-2018, dòng vốn FDI đăng ký có sự đóng góp từ các dự án tỷ USD trong USD hầu như đều chậm tiến độ giải ngân do quá trình huy động vốn và đánh giá tác động môi trường.
Trong năm 2019, mặc dù vắng bóng hẳn các dự án tỷ USD nhưng số lượng các dự án có quy mô tầm trung, 100-500 triệu USD, và tập trung vào hoạt động chế biến chế tạo tăng đáng kể.
Bên cạnh việc đa dạng hóa đối tác thương mại, ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, khu vực tư nhân tại Việt Nam đang chủ động đầu tư nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Dựa trên thế mạnh hiện tại của Việt Nam và phân loại chuỗi giá trị sản xuất, các dự án đầu tư sẽ đến từ 3 nhóm chính, gồm nhóm hàng thâm dụng lao động (dệt may và đồ gỗ); nhóm hàng chế biến và giao thương trong khu vực (thực phẩm, giấy, nhựa và cao su, sản phẩm kim loại, và vật liệu xây dựng); và nhóm hàng sáng tạo toàn cầu (sản xuất máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử).
Trong đó, nhóm cuối cùng chủ yếu dựa vào chuỗi giá trị tạo thành bởi các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Microsoft,…
Tỷ giá năm 2020 có thể sẽ có những diễn biến khó lường. |
Tuy nhiên, theo nhận định của CTCK Rồng Việt (VDSC), tỷ giá trong năm 2020 vẫn là một ẩn số khi rủi ro Mỹ áp thuế lên hàng hóa Việt Nam đang tăng lên.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong danh sách thâm hụt thương mại của Mỹ, chỉ sau Nhật Bản, Đức, Mexico và Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng gần 30% trong năm 2019.
Điều đáng chú ý là cho đến thời điểm này chưa có làn sóng dịch chuyển sản xuất ồ ạt sang Việt Nam, do vậy điều kiện sản xuất hiện tại của Việt Nam khó có thể so sánh với các nước kể trên và kết quả thâm hụt thương mại trên 43 tỷ USD sẽ càng khiến chính quyền của Tổng thống Donald Trump để mắt đến.
Theo khẳng định của VDSC, gian lận xuất xứ hàng hóa (Phantom trade), hàm ý các doanh nghiệp chuyển hàng hóa sang nước thứ ba trước khi xuất khẩu sang điểm đến cuối cùng để tránh rào cản thuế thương mại, đang diễn ra tại Việt Nam.
Không thể không chú ý đến yếu tố trong khi thặng dư thương mại với Mỹ tăng 33% thì thâm hụt thương mại với Trung Quốc lại tăng trên 40%.
Trong nghiên cứu “Anti-dumping Duty Circumvention through Trade Re-routing: Evidence from Chinese Exporters” của Liu and Shi 2016, tác giả đã đưa ra nhiều dẫn chứng về mối quan hệ nhân quả giữa việc Mỹ tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc và dòng hàng hóa dịch chuyển sang các nước thứ 3.
Trong đó có 2 kết luận đáng chú ý, bao gồm: Mỹ tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc dẫn tới tình trạng hàng hóa từ Trung Quốc qua quốc gia thứ ba trước khi dược xuất khẩu sang Mỹ; Các quốc gia có vị trí địa lý gần Mỹ và Trung Quốc hoặc cộng đồng dân số Trung Quốc lớn thường dễ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc nhằm tránh thuế.
Sự kiện ngày 16/12/2019 Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo chính thức quyết định áp thuế cao nhất là 456% lên một số sản phẩm thép được sản xuất tại Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc), sau đó đưa sang Việt Nam để gia công đơn giản rồi xuất khẩu sang Mỹ là bài học cảnh tỉnh cho Việt Nam, qua đó tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra trong năm 2020.
Trong thông báo của Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan này đã phát hiện một số sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội được sản xuất tại Việt Nam, sử dụng thép chất nền của Hàn Quốc hoặc Đài Loan vốn đã né thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ giá của Mỹ.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2019, DOC đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc.