Tuyệt chiêu giúp cá sấu sống được trong nước đóng băng
Trong thời tiết băng giá, những con cá sấu nhô cao mõm của chúng trên mặt nước để thở, đồng thời làm chậm quá trình trao đổi chất.
Những cơn bão đã ập đến nước Mỹ trong tuần này khiến nhiều loài động vật phải vật lộn trong giá lạnh. Tuy nhiên, loài cá sấu máu lạnh đang vượt qua tuần lạnh lẽo bằng một phương pháp sinh tồn khác thường.
Nhân viên tại Cục Bảo tồn Động vật Hoang dã Oklahoma đã đăng tải những bức ảnh về con cá sấu bị bất động trong nước đóng băng, trong khi mõm chúng nhô lên trên.
Dù trông như đã chết trong các bức ảnh, thực tế những con cá sấu vẫn sống sót.
Cơ chế giúp cá sấu tiếp tục tồn tại được gọi là "đóng băng" - nhô mõm lên trên mặt nước để thở khi bị ngập trong nước đóng băng.
Trong thời tiết lạnh giá, những con cá sấu nhô cao mõm của chúng trên mặt nước để thở, đồng thời làm chậm qua trình trao đổi chất. Ảnh: CNN. |
Phản ứng "đóng băng" này gắn liền với khả năng ngủ đông của các loài bò sát. Bằng cách làm chậm lại quá trình trao đổi chất, trở nên lười biếng và giữ cho mõm ở trên mặt nước, cá sấu có thể sống sót qua thời tiết băng giá trong một quãng thời gian ngắn.
Là một loài bò sát máu lạnh, cá sấu dựa vào môi trường bên ngoài để điều chỉnh nhiệt độ - đồng nghĩa với việc thời tiết lạnh lẽo không có lợi cho sự sinh tồn của chúng.
Ông David Arbor, thuộc Sở Bảo tồn Động vật Hoang dã Oklahoma, đã đăng tải ảnh cá sấu đóng băng lên trang Facebook của mình.
Ông trả lời trong một bình luận: "Cá sấu sẽ không đóng băng nếu nước vẫn ở dạng lỏng. Mõm của chúng chỉ là sụn nên việc đóng băng không gây ảnh hưởng. Chúng vẫn có thể di chuyển và nhận thức được mọi thứ".
Trong tự nhiên, mỗi động vật có cách chống chọi với nhiệt độ đóng băng theo những cách khác nhau.
Vào mùa đông, loài ếch gỗ có thể tự đông cứng lại, thậm chí tim ngừng đập, cho đến khi an toàn để chúng tự rã đông.
Mặc khác, dơi đỏ nằm trên mặt đất, phủ những chiếc lá lên mình như một tấm chăn để ngụy trang khỏi những kẻ săn mồi.
Theo zingnews.vn