Tuyển Anh cần cải thiện gì để hướng tới World Cup 2014?
Tuyển Anh cần cải thiện gì để hướng tới World Cup 2014?
Như thường lệ, đội tuyển Anh lại trở về từ một giải đấu lớn trong cảnh tay trắng. Nếu như việc vào đến vòng tứ kết và chỉ để thua Italia trong loạt đấu súng có thể chấp nhận được thì người hâm mộ có quyền đặt dấu hỏi lớn về sức mạnh của người Anh trong trận thắng may mắn trước Ukraine.
NHM không trách cứ Roy Hodgson bởi ông mới chỉ giữ cương vị thuyền trưởng Tam sư trong 2 tháng, tuy nhiên mọi con mắt sẽ tiếp tục đổ dồn vào vị HLV này trong chiến dịch của đội tuyển Anh tại World Cup 2014.
Vậy đâu là những điểm đội bóng đảo quốc sương mù cần trông chờ để hy vọng vào một kỳ World Cup thành công?
Định hình lối chơi
Xem đội tuyển Anh chơi bóng tại EURO vừa qua, người ta không rõ đó là đội bóng thuộc trường phái nào. Về mặt lối chơi, họ rõ ràng áp dụng chiến thuật phòng ngự phản công nhưng không thể nói họ đã phòng ngự tốt khi để lọt lưới tới 2 bàn trong trận gặp Thụy Điển, trong khi hàng công thi đấu rời rạc và thiếu sức sống.
Đội tuyển Anh tại EURO có thể coi là tập hợp của những cá nhân hơn là một đội bóng. Do đó, vấn đề bây giờ của Hodgson là lắp ráp những cá nhân đó lại với nhau thành một thể thống nhất.
Coi trọng những trận giao hữu
Anh là một trong số những đội tuyển tổ chức nhiều trận giao hữu tại sân nhà nhất trên thế giới. Đó được coi là cơ hội để cọ xát và lắp ráp đội hình nhưng các cầu thủ thì không nghĩ vậy. Quá mệt mỏi với những trận đấu nặng về thể lực tại giải Ngoại hạng, phần vì sợ chấn thương, các cầu thủ đội tuyển Anh thường thi đấu rất kém nhiệt. Đặc biệt, họ thường thực hiện 8 đến 9 sự thay đổi giữa hiệp trong mỗi trận giao hữu.
Các thành viên trong đội tuyển thường có không nhiều thời gian chơi cùng nhau trước mỗi giải đấu lớn, do đó BHL và các cầu thủ cần coi trọng hơn những trận đấu giao hữu để hoàn thiện kỹ chiến thuật hơn là việc coi nó giống như một cuộc chơi vô bổ.
Thỏa hiệp với các CLB
Một phần lý do khiến các trụ cột của đội tuyển Anh chỉ chơi 45 phút trong các trận giao hữu chính là vì sức ép từ các CLB Premier League.
Kể từ khi Newcastle buộc FA phải đền bù số tiền khổng lồ 10 triệu bảng do chấn thương của Michael Owen tại World Cup 2006, quan chức của Liên đoàn bóng đá nước này có vẻ như đã chùn tay và nhường nhịn các CLB chủ quản. Các CLB này tất nhiên không muốn những “cục vàng” của mình bị chút sứt mẻ nào trong các trận đấu giao hữu vô thưởng vô phạt.
Tại nhiều nước khác, các cầu thủ phải có nghĩa vũ cống hiến vô điều kiện cho đội tuyển quốc gia. Người Anh nên học hỏi điều đó.
Lựa chọn cầu thủ dựa vào phong độ
Không thể nói những cầu thủ được Roy Hodgson chọn có phong độ không tốt nhưng có vẻ như vị HLV này còn quá "rón rén" trong việc mang đến những luồng sinh khí mới cho một đội tuyển Anh đã quá cũ kỹ.
Việc ông nhất quyết mang Frank Lampard đi (sau đó bị chấn thương) dù biết rằng anh này chưa bao giờ phù hợp với lối chơi của Steven Gerard đã chứng minh điều đó. Cùng với đó, việc ông mang theo một Rooney bị treo giò trong 2 trận đầu cũng gây nhiều tranh cãi dù không thể phủ nhận, anh là niềm hy vọng hàng đầu của Tam sư.
Hãy nhìn cách mà Cesare Prandelli tiếp quản Italia. Ông gạt bỏ phần lớn những công thần của đội tuyển nước này thời World Cup chỉ giữ lại những nhân tố không thể thay thế như Pirlo, Buffon hay De Rossi. Kết quả là, Italia đả bại cả Anh lẫn Đức để tiến vào trận chung kết EURO 2012.
Giới truyền thông cần cho Hodgson thêm thời gian
Hầu hết những HLV từng dẫn dắt đội tuyển Anh đều chia sẻ rằng, đó là một trong những công việc áp lực nhất trong suốt sự nghiệp của họ. Chỉ cần Tam sư có một hoặc hai trận thắng ấn tượng, họ sẽ tâng người đó lên tận mây xanh nhưng sau vài trận đá rời rạc, HLV đó có thể phải “ra đi không kèn không trống” bởi không chịu nổi áp lực.
Thay vì trỉ trích, mổ xẻ, báo giới nước này lên ủng hộ hoặc ít ra là im lặng để xem cách HLV này làm việc. Gánh vác một công việc nặng nhọc dưới áp lực khủng khiếp của dư luận, không phải HLV nào cũng có thể phát huy được khả năng của mình.
NHM nên bớt kỳ vọng vào đội tuyển
Một trong những lý do cánh báo giới nước này đưa ra, lý giải cho việc họ thích săm soi vào các vấn đề của đội tuyển là phản ánh ý kiến của NHM. Chưa rõ điều đó đúng hay sai nhưng có một điều ai cũng rõ, người Anh tự hào vì họ là cái nôi của bóng đá. Mà đã là quê hương của bóng đá thì đội tuyển của họ phải thể hiện được sức mạnh của kẻ khai sinh ra môn thể thao vua.
Đã từ rất lâu, người Anh chưa bao đánh bại những Tây Ban Nha, Đức, Argentina, Brazil, Italia hay Pháp tại vòng knock-out của một giải đấu lớn. Các CĐV nên nhìn thẳng vào sự thật góp phần giảm bớt áp lực lên những đôi chân của các cầu thủ con cưng.
Một chút may mắn
May mắn luôn song hành với các nhà vô địch. Đội tuyển Anh cần điều đó. Đầu tiên, họ cần may mắn để các cầu thủ không bị chấn thương tại những giải đấu quan trọng. Trước thềm EURO, họ mất đi hai nhân tố khá quan trọng là Jack Wilshere và Darren Bent.
Tiếp đến, họ cần may mắn để tránh những vấn đề ngoài lề ảnh hưởng đến đội bóng. Ai cũng hiểu, Rio Ferdinand không được chọn chẳng phải là do vấn đề chuyên môn mà do vụ lùm xùm liên quan đến vấn đề phân biệt chủng tộc giữa John Terry và cậu em trai Anton của anh.
Một điều may mắn nữa mà bất cứ đội bóng nào cũng mong muốn, đó là rơi vào một bảng đấu dễ thở (cả vòng loại lẫn vòng chung kết) để họ có thể rộng đường tính toán cũng như phân bố sức lực ở những chặng đường quyết định.
Thành Duy