Tướng Phan Anh Minh phản bác quan điểm về người nghiện của một số nước phương Tây
Thiếu tướng Phan Anh Minh khi còn làm Phó giám đốc CA TP.HCM |
Vì vậy hiện người nghiện ma túy chỉ bị xử lý hành chính, và để đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần có những điều kiện nhất định, và quyết định của tòa án. Tại TP.HCM đã từng có một thời gian gần như không thể đưa người nghiện đi cai vì vướng mắc trong hồ sơ xử lý.
Điều này đã gây ra không ít khó khăn cho việc quản lý người nghiện. Trong khi đó số người nghiện được thống kê ngày càng tăng. Nếu như năm 2010 TP có 11.000 (quản lý trên hồ sơ) thì hiện nay đã có 24.000 người.
Trong cuộc họp về phòng chống ma túy ngày 4/10 vừa qua, Thiếu tướng Phan Anh Minh – nguyên Phó giám đốc CATP.HCM cho rằng “đã đến lúc chúng ta nhìn nhận lại quan điểm này”.
“Trong chính sách lập pháp của chúng ta 10 năm qua đề cao quyền con người của người nghiện, nên ở diễn đàn chính thống coi họ là bệnh nhân phải chăm sóc, điều trị” – ông bắt đầu. Vị tướng công an cho rằng không phản bác, nhưng “nói vậy là chưa đủ”.
“Chúng ta đều thấy rằng người nghiện là người bị lệch lạc về nhân cách và có nguy cơ lớn, do đó cần có quan điểm toàn diện hơn. Họ tự gây ra suy thoái về nhân cách, có nguy cơ đối kháng với xã hội và nguy cơ vi phạm pháp luật rất cao. Họ cần phải được chăm sóc và quản lý đặc biệt chứ không phải chỉ chăm sóc điều trị” – ông nhấn mạnh.
Cũng theo tướng Minh, quan điểm trên có thể bị các tổ chức quốc tế và một số nước phương tây không đồng ý, nhưng ông coi đây “không phải là chuyện lạ”.
Nguyên Phó giám đốc CATP cho biết có một số nước “tự xưng là dân chủ” đã đưa hẳn lực lượng vũ trang sang các nước có nguồn ma túy để tấn công loại tội phạm này, nhưng kết cục vẫn không giải quyết được tệ nạn ma túy.
“Ở các nước đó, bao nhiêu năm nay tốn rất nhiều tiền của và xương máu nhưng cuộc chiến chống ma túy thậm chí còn xấu đi” – ông nói.
Tướng Minh nhận định ngay cả khi chúng ta “có sự quản lý đặc biệt” với người nghiện, thì đó cũng không phải là chính sách quá hà khắc.
“Thậm chí là một số nước trong ASEAN - lân cận chúng ta còn có quan điểm nghiêm khắc hơn, còn chúng ta vẫn đề cao việc chăm sóc, chữa trị chứ không phân biệt đối xử với người ngiện” – ông cho hay.
Tướng Minh còn dẫn ra ví dụ cho thấy năm 2008 và 2013 là những năm có phạm pháp hình sự tăng, và khi “soi” lại thì lực lượng công an nhận thấy đây là 2 năm TP “bế tắc trong việc giải quyết người nghiện”.
Theo ông, người nghiện không chỉ là thị trường của tội phạm ma túy, mà chính họ là nguồn nhân lực tiếp tay cho loại tội phạm này, là “thành tố làm gia tăng phạm pháp hình sự, khiến an ninh trật tự xấu hơn”.
Với quan điểm như trên, tướng Minh cho rằng “cần nhìn nhận và giải quyết để tự cứu mình chứ không đợi có kiến nghị hay thay đổi”. Ông đưa ra đối sách là tập trung vào ngăn ngừa phát sinh người nghiện mới, và giúp đỡ liên tụ những người có nguy cơ tái phạm.