Tung clip ngoại tình lên mạng là sự bất lực trong hôn nhân, cần xử lý hình sự
Gần đây, trên các trang mạng xã hội thường xuyên xuất hiện những đoạn clip chồng, vợ đi đánh ghen vì đối phương ngoại tình trên mạng khiến dư luận bức xúc. Việc các cá nhân tung clip lên mạng như vậy đúng sai như thế nào, PV Infonet, có cuộc trao đổi với luật sư Nhâm Mạnh Hà - Văn Phòng luật sư Interla, để hiểu rõ hơn.
Ảnh minh họa |
PV: Gần đây, trên các trang mạng xã hội thường xuyên xuất hiện clip tố chuyện chồng, vợ ngoại tình, việc làm này theo ông có nên hay không nên?
Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Trong thời gian gần đây, tình trạng đánh ghen bằng cách tung clip vợ/chồng ngoại tình lên mạng xã hội có xu hướng phổ biến. Một số trường hợp đã bị xử lý về hình sự chính là lời cảnh tỉnh đối với những người có hiểu biết nông cạn hoặc hành động thiếu suy nghĩ. Theo tôi việc làm này dù xuất phát từ bất cứ mục đích gì thì cũng không nên làm và cần phải lên án.
Bởi vì việc tung clip vợ chồng ngoại tình lên mạng mà không được sự đồng ý của những người có mặt trong clip hoặc đại diện của họ (trong trường hợp người chưa thành niên hoặc người có nhược điểm về tinh thần) trước hết là một hành vi bị pháp luật nghiêm cấm bởi lẽ nó xâm phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm của người trong clip. Thêm nữa, hành vi đó còn vi phạm về đạo đức, làm cho chính người đăng clip và người bị đăng đều bị xã hội phê phán.
PV: Những đối tượng tung clip chồng/vợ/tình địch ngoại tình lên mạng bị pháp luật xử lý về tội danh gì và bị xử lý thế nào?
Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Những người tung clip lên mạng tùy trường hợp có thể bị xử lý về hình sự. Đầu tiên,về trách nhiệm dân sự: Theo quy định tại Điều 31 BLDS 2005 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật đã khẳng định mỗi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh của mình, do đó, việc một người nào đó đăng clip vợ/chồng ngoại tình lên mạng không có sự đồng ý của người trong clip là hình vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3 Điều 31, BLDS 2005. Người có hành vi này phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Khoản 3, Điều 307, BLDS 2005: “ Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”.
Việc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 611 Bộ luật dân sự 2005. Ngoài ra, hành vi tung clip vợ/chồng ngoại tình lên mạng xã hội còn có thể cấu thành tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Điều 121 Bộ luật hình sự quy định như sau: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: Phạm tội nhiều lần; Đối với nhiều người; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Hành vi tung clip vợ chồng ngoại tình lên mạng xã hội đã xúc phạm nghiêm trọng tới nhân phẩm, danh dự của người khác do đó có thể cấu thành “tội làm nhục người khác”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1, Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự về việc khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại thì: “Những vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 các điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”.
Như vậy, cơ quan công an chỉ có thể khởi tố khi có đơn yêu cầu của người bị tung clip hoặc người đại diện hợp pháp của họ (đối với đối tượng là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) thì người tung clip lên mạng có thể bị xử lý về hình sự (nếu người này đã đủ năng lực trách nhiệm hình sự tức là từ đủ 16 tuổi).
PV: Các đối tượng đó lợi dụng khe hở nào của pháp luật để tung clip này lên mạng?
Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Như trên tôi đã trình bày, người tung clip lên mạng có thể bị xử lý về hình sự tuy nhiên đối với tội “làm nhục người khác” thì chỉ khởi tố khi có đơn yêu cầu của người bị hại hoặc đại diện của họ do đó rất khó xử lý người có hành vi tung clip vợ chồng ngoại tình lên mạng. Bởi vì, giữa họ đang tồn tại quan hệ hôn nhân nên thông thường các bên sẽ tự giải quyết với nhau, việc yêu cầu khởi tố chỉ xảy ra đối với một số trường hợp không thể tự giải quyết được. Thêm nữa, việc ngoại tình dẫn đến bị quay và tung clip lên mạng là việc làm sai trái của những người vợ, người chồng không chung thủy do đó họ tránh để sự việc quá ầm ĩ. Theo tôi chính điều này đã dẫn tới tình trạng những người tung clip vợ/chồng ngoại tình lên mạng ngày càng phổ biến.
PV: Các cơ quan chức năng cần có biện pháp gì để tránh tình trạng tung clip phản cảm lên mạng xã hội đang gây bức xúc cho dư luận?
Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Để tránh tình trạng tung clip phản cảm lên mạng xã hội đang gây bức xúc thì theo tôi cần tiến hành đầy đủ các biện pháp bao gồm:
Thứ nhất, biện pháp giáo dục, phòng ngừa: Việc tung clip lên mạng ngày càng phổ biến và để hạn chế tình trạng này các cơ quan chức năng cần tiến hành tốt công tác giáo dục, tuyên truyền những bất lợi của việc làm này để mỗi người đều có thể bảo vệ mình cũng như có ý thức tôn trọng, bảo vệ người khác.
Thứ hai, biện pháp xử lý nghiêm khắc: Những người tung clip lên mạng bị xử lý nghiêm sẽ là bài học đối với những người khác đang có ý định thực hiện những hành vi không đúng đắn. Do đó, theo tôi biện pháp xử lý nghiêm những người đã có hành vi tung clip phản cảm lên mạng có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Thứ ba, biện pháp kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội: việc quản lý chặt chẽ các trang mạng xã hội sẽ ngăn chặn được việc đăng các clip phản cảm do đó theo tôi cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn.
PV: Người bị tung clip lên mạng cần phải làm gì để bảo vệ chính mình?
Tung clip bạn đời ngoại tình lên mạng: Cả giận mất khôn
Luật sư Nhâm Mạnh Hà: theo tôi đã phân tích trên đây người có hành vi tung clip lên mạng có thể bị xử lý về hình sự và bồi thường về dân sự. Để bảo vệ mình người bị tung clip có thể làm đơn tố cáo hành vi của người tung clip và yêu cầu người tung clip bồi thường cho mình.
PV: Quan điểm của luật sư về việc này như thế nào?
Luật sư Nhâm Mạnh Hà: Tôi hoàn toàn không đồng ý với cách xử lý của những người đăng clip phản cảm lên mạng xã hội, nó thể hiện sự bất lực của họ trong việc bảo vệ hạnh phúc gia đình. Tất nhiên, để xảy ra sự việc này xuất phát từ lỗi của người vợ, người chồng không chung thủy. Nhưng, có nhiều cách xử lý khôn ngoan mà tránh được cảnh “xấu chàng hổ ai”, con của họ (nếu có) sẽ ảnh hưởng như thế nào, trong nhiều trường hợp nó còn là rào cản để hàn gắn lại tình cảm…
Vì vậy, khi bị ngoại tình, người chồng, người vợ bị phản bội có thể thu thập các chứng cứ liên quan tới việc vợ/chồng mình ngoại tình để yêu cầu pháp luật bảo vệ. Pháp luật nước ta đã có chế tài đối với trường hợp người vợ, người chồng vi phạm “chế độ hôn nhân một vợ, một chồng” theo đó người nào vi phạm có thể bị xử lý về mặt hành chính. Ngoài ra, theo luật hôn nhân và gia đình hiện nay khi ly hôn nếu vợ/chồng chứng minh được bên kia ngoại tình thì có thể giành được nhiều lợi thế khi yêu cầu tòa án giải quyết.
Xin cảm ơn luật sư!