Tủi thân cái Tết đầu tiên ở nhà chồng xa
Quặn lòng ăn Tết nhà chồng xa
Ảnh minh họa. |
Chị Nguyễn Thị Phương trú tại Lĩnh Nam, Hà Nội không thể nào quê cái Tết đầu tiên chị về làm dâu ở nhà chồng tận Bảo Hà, Lào Cai. Chị Phương kể năm đó chị mới cưới được vài tháng, đang mang bầu nên hai vợ chồng đi tàu về quê ăn Tết. Trong khi đó, quê chị thì ở ngay Khoái Châu, Hưng Yên. Từ khi bước lên tàu, đi qua cầu Long Biên là chị đã có cảm giác buồn. Từ năm này, chị sẽ không thể được về nhà ăn Tết vì chồng chị xác định nhà ngoại gần tranh thủ về những ngày nghỉ ít còn nghỉ dài phải ưu tiên nhà nội.
Năm đó, chị lạ nước, lạ cái; chồng chị lại không tâm lý nên đưa vợ con cùng về xong cứ mặc vợ tự hòa nhập sao thì hòa nhập. Nhà chồng lại ở miền núi, nhà hàng xóm cách nhau xa nên chẳng có người nào đến chơi. Khác xa với nhà chị ngày Tết là ăn uống, đi chợ thì ở đây chị chỉ còn biết ngồi trông bếp củi cho mẹ chồng. Mấy nhà trong xóm cùng nhau mổ chung con lợn hàng tạ. Chị không biết làm gì ngoài trách nhiệm ngồi trông bếp củi. Nhìn không khí bên ngoài mọi người cũng cười nói nhưng trong lòng chị thì buồn da diết.
Chị nhớ nhà, không biết năm nay mình lấy chồng, ai mua hoa cắm cho bố mẹ. Mẹ bận đi cấy đến 28 – 29 Tết, bố còn vườn quất, mưa gió thế này bố chị có khi phải thức đêm trông quất. Nghĩ về nhà mẹ đẻ, nước mắt chị cứ chảy dài. Đến nỗi, chị cứ ngồi đun nồi giò luộc đến 2 tiếng, không ai nhắc chị cũng quên.
Cả ngày mùng một Tết, chị chẳng biết làm gì ngoài ngồi đun nồi canh xươn. Những năm sau, dù ăn tết nhà chồng buồn lắm nhưng chị còn có đứa con an ủi. Nhưng cảm giác tủi thân, lạc lõng không bao giờ mất đi được.
Chị Phạm Thị Huyền trú tại Cầu Diễn, Hà Nội cũng thế. Bố mẹ chị ở tận Thanh Hóa, chỉ có mình chị là con. Ông là thương binh nên không sinh được con, xin chị từ bệnh viện về nuôi khi chị còn đỏ hỏn. Với chị họ là người sinh thành ra mình.
Chị Huyền lấy chồng quê ở Thái Bình. Năm nào chị cũng phải về nhà chồng ăn Tết vì với gia đình chồng chị “lấy chồng phải theo chồng”. Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng 3 năm trước, chị Huyền ăn tết trong nước mắt. Năm đầu về nhà chồng, chị phải về làm thủ tục nhận họ ở quê tận mùng 4 vẫn chưa đi Tết hết; trong khi ở quê bố chị phải nhập viện vì vết thương chiến tranh. Lòng chị như lửa đốt nhưng bố mẹ vẫn không cho chị vào thăm bảo phải đi Tết ra mắt ở nhà chồng xong mới được về Thanh Hóa. Cứ nghĩ về quê, nước mắt chị rơi lã chã.
Cân đối cảm xúc
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng: với bất cứ ai, cái Tết xa nhà đầu tiên cũng là cái Tết nhiều cảm xúc với họ. Với những nàng dâu mới cũng không ngoại lệ. Nhưng lâu dần họ sẽ quen và họ nghĩ nhà chồng mới là nhà của mình.
Theo ông Chất, để cân đối cảm xúc, tìm được niềm vui chung với gia đình nhà chồng, nàng dâu nên thoải mái và có thể chia sẻ cảm xúc với chồng mình. Trường hợp như của chị Phương, chị Huyền hoàn toàn có thể nói với chồng rằng nên chia sẻ bố mẹ nào cũng là bố mẹ mỗi năm ăn Tết một nơi để các cụ cùng vui, vợ chồng thoải mái.
Đàn ông, họ thường ngại về nhà vợ ăn Tết hơn vì tâm lý dâu con, rể khách. Còn nàng dâu từ khi yêu và lấy, ai cũng biết lấy chồng theo chồng. Để có cái Tết sum vầy hòa hợp với gia đình mới, họ có thể chia sẻ những điều mình khó nói hoặc kể những câu chuyện tết quê hương cho gia đình nhà chồng nghe, cùng mẹ chồng sang nhà hàng xóm, chợ Tết cho thay đổi không khí thay vì cứ nghĩ ở nhà nấu nướng cho xong.
Ngày Tết đoàn viên, để có không khí vui hơn cũng là ở người phụ nữ. Nếu họ khéo léo thì Tết lúc nào cũng vui, không còn cảm giác tủi thân nữa. Ông Chất nhấn mạnh nếu yêu chồng, nghĩ rằng mình vui thì chồng sẽ vui, con cũng vui thì nàng dâu sẽ không còn cảm giác tủi thân nữa.