Tục đưa ông Táo về trời trong đời sống hiện đại
Theo thời gian, cách thức đưa tiễn ông Táo cũng nhiều thay đổi nhằm phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Với người miền Bắc, người ta thường cúng ông Táo bằng bánh, kẹo, nước trà, 3 chiếc mũ ông công (2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà) và 1 con cá chép sống để trong chậu nước. Khi cúng xong, thả cá chép ra sông với ngụ ý tặng phương tiện cho ông Táo về trời. Vì người xưa tin rằng, cá chép có thể vượt vũ môn, hóa rồng đưa ông Táo về trời nhanh nhất.
Còn một số địa phương ở miền Trung bày cúng con ngựa giấy hoặc đưa tượng của ông bà Táo bằng đất nung ra để ở ngã ba đường, nhờ vậy ông Táo tiện tàu xe hơn, nhanh chóng về trời. Ở miền Nam, tục cúng ông Táo lại càng đơn giản. Tùy theo hoàn cảnh gia đình, có nhà thì mua đủ bộ đồ ông Táo gồm mũ, quần áo và đôi giầy bằng giấy, có gia đình chỉ cúng hoa quả, bánh kẹo, chè xôi… miễn là đồ ngọt, với hy vọng ông Táo lựa lời nói, báo cáo điều tốt đẹp của gia chủ với nhà trời.
Cúng ông Táo ngày càng giản dị trong đời sống hiện đại. |
Hơn nữa, trong nhịp sống hiện đại, người phụ nữ không chỉ có việc nội trợ, mà còn đảm đương nhiều công việc trong xã hội. Nếu tập tục càng được giản lược càng tạo thuận lợi cho người phụ nữ hoàn thành công việc tại cơ quan và tranh thủ dọn dẹp, mua sắm cho những ngày giáp Tết.
Chị Hồ Ngọc Nhi (xã Long Điền B, Chợ Mới) nói: “Lúc nhỏ, mỗi lần đến ngày 23 Tết là chị em tôi được thưởng thức món chè do chính tay mẹ nấu, cùng mẹ đi chợ lựa mua những con cá chép vàng để thả, cảm giác lúc đó thật vui và nôn nao đợi chờ Tết đến. Còn bây giờ khi đã làm mẹ rồi thì tôi không thể chuẩn bị đầy đủ như vậy. Sau buổi làm việc chỉ có thể ghé chợ mua ít trái cây, hoa tươi dâng cúng”.
Tuy là giản dị nhưng về mặt ý nghĩa tinh thần thì ai cũng giữ sự tôn kính đối với ông Táo. Bởi với người Việt bao đời, ông bà Táo không chỉ là vị thần lửa mà còn đảm nhận vai trò là định đoạt phúc đức trong gia đình. Chính vì vậy, thần Táo còn được gọi là Định Phúc Táo Quân. Phúc đức này không phụ thuộc vào chủ quan của nhà Táo, mà do việc làm của những thành viên trong gia đình.
Ông bà Táo là những người rất công tâm, hằng ngày ghi chép những chuyện tội-phước, thiện-ác của gia chủ, đến ngày cuối năm về trời để tâu lên Ngọc hoàng. Từ đó, Ngọc hoàng mới có cơ sở để thưởng phạt các gia đình, quyết định vận mệnh của gia đình trong năm mới.
Chính vì ý nghĩa trên nên mọi người càng ý thức hơn những việc mình làm, các thành viên với bổn phận là vợ, chồng, con cái phải gắng sống đúng với đạo lý, truyền thống của gia đình, dân tộc. Có như vậy, họ mới tiếp tục hưởng được niềm vui hạnh phúc trong năm mới, công việc làm ăn của gia đình năm sau tốt đẹp hơn năm trước.
Ngày 23 tháng Chạp, thời khắc đưa ông Táo về trời lại như nhắc nhở mọi người về sự đầm ấm về bữa cơm gia đình cùng tình nghĩa vợ chồng theo truyền thống cần lưu giữ.
TRÚC PHA/Báo An Giang Online