Từ vụ “ông Chấn”, “ông Nén”: Đăng ký họa chân dung, làm ngay để tránh rắc rối?!
Bàn tiếp câu chuyện về nên hay không nên đăng “ký họa chân dung nghi phạm” trên báo chí, Cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư TpHCM) cho rằng, báo chí không chỉ nên “đăng ký họa chân dung nghi phạm” mà còn phải bỏ đi cách đưa tin quy kết “có tội” và giảm bớt đưa hình ảnh nhân thân không có liên quan của nghi phạm lên mặt báo. Đó không chỉ là cách làm nhân văn mà còn tránh cho báo chí không bị rắc rối, nếu đó là một vụ án oan.
Trước đó, qua quan sát, PV Infonet đã phát hiện có hiện tượng một số báo dùng ký họa chân dung nghi phạm để minh họa cho bài báo, cụ thể là Tuổi trẻ với rất nhiều bài báo liên quan đến nghi phạm là cán bộ Hải quan vừa bị bắt vì tình nghi nhận hối lộ.
Để góp lời cùng độc giả quanh câu chuyện thú vị này, PV Infonet có cuộc phỏng vấn với Cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út.
Ls Phạm Công Út (Đoàn Luật sư TpHCM) |
Thưa ông, hiện nay đang có sự manh nha xu hướng mới trong báo chí Việt Nam, không đưa hình ảnh thực của bị cáo, là một cựu thẩm phán và là một luật sư tham gia tích cực trong việc “giải oan cho ông Nén”, ông có đánh giá như thế nào về việc “đã đến lúc khuyến cáo đăng ký họa nghi phạm”?
Đầu tiên, sự việc báo Tuổi trẻ đưa tin về một vụ án và hình ảnh chân dung nghi can là hình vẽ, điều này phá lệ và gây ấn tượng khá mạnh mẽ cùng sự đón nhận đầy thiện cảm của bạn đọc đối với bài báo này. Bạn đọc có cảm giác rằng, ngày nay báo chí đã bắt đầu chú ý tới việc tôn trọng các quyền nhân thân và những quyền cơ bản của con người, nhất là những thông tin về các vụ án.
Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng giết người, cướp của mang tên “Vườn điều”, “Nguyễn Thanh Chấn”, “Huỳnh Văn Nén”… từng một thời được một số báo chí dẫn dắt dư luận để kết tội bằng được các nghi can bằng cách đưa tin kèm lời nhận định, phán xét, và nhất là đăng những hình ảnh của những người mà họ cho là tội phạm ngay cả trước khi tòa án tuyên. Chỉ đến khi những “nạn nhân” của báo chí đó được minh oan và hứa hẹn sắp tới sẽ có những rắc rối về mặt pháp lý, thì họ mới nhận mình đã sai. Sai lầm ấy bắt nguồn từ cách đưa tin quy kết, kèm hình ảnh chân dung thật của nghi phạm.
Theo tôi, hoạt động báo chí nói chung đã đến lúc cần xem lại nghiệp vụ đưa tin của mình theo hướng “suy đoán vô tội”, dù có muộn nhưng vẫn hơn không. Đặc biệt, đăng ký họa chân dung, báo chí nên làm ngay để tránh rắc rối. Điều này được rút ra từ bài học các vụ án oan “Nguyễn Thanh Chấn”, “Huỳnh Văn Nén"...
Phải chăng đây là xu thế của báo chí tuân theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”cần phải cổ vũ, thưa luật sư?
Những quyền con người như “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, là nguyên tắc suy đoán vô tội vốn có trong Hiến pháp của nước ta, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định như thế, nhưng trước nay vẫn có nhiều tờ báo dẫn tít, đưa tin, đại loại như: “Hôm nay Nguyễn văn A đối diện án tử hình”, kèm theo hình ảnh ông Nguyễn Văn A với chiếc còng số 8, trong khi phiên tòa chưa được mở, dù là sơ thẩm, thông tin và hình ảnh ấy khiến dư luận tin chắc ông Nguyễn Văn A là có tội và sắp bị đưa ra tử hình dù chưa hề có bản án nào tuyên như thế đối với ông Nguyễn Văn A.
Hiến pháp năm 2015 đã quy định rõ ràng hơn so với trước đây, rằng: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Điều đó một lần nữa khẳng định, không chỉ riêng báo chí mà bất kể người nào, cơ quan, tổ chức nào cũng không thể đưa tin hoặc kết luận thay cho tòa án cái việc tuyên án ấy.
Theo tôi, hoạt động báo chí nói chung đã đến lúc cần xem lại nghiệp vụ đưa tin của mình theo hướng “suy đoán vô tội”, dù có muộn nhưng vẫn hơn không. Đặc biệt, đăng ký họa chân dung, báo chí nên làm ngay để tránh rắc rối. Điều này được rút ra từ bài học các vụ án oan “Nguyễn Thanh Chấn”, “Huỳnh Văn Nén"...
Trở lại với những bài báo kết tội ông Nén khi kêu oan, ông có nghĩ rằng tư tưởng mới này của báo chí là cần thiết không?
Theo tôi, chức năng chính của báo chí là đưa tin tới bạn đọc và nhà báo phải tự chịu trách nhiệm về độ chính xác và khách quan về nguồn thông tin mà mình đưa ra. Trong vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén, có không ít bài báo chuyên ngành có thể có những đặc quyền được lấy tin từ trại giam, từ cơ quan điều tra, từ hồ sơ vụ án, mặc dù những tài liệu ấy chính là bí mật công tác mà pháp luật hình sự quy định nghiêm cấm điều tra viên được tiết lộ trong quá trình điều tra, nhưng những tờ báo chuyên ngành có vẻ như không khó để tiếp cận được các tài liệu chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được có trong hồ sơ vụ án.
Từ đó, họ thông tin một chiều cho dư luận để bảo vệ hoạt động điều tra chứ không đưa tin khách quan, trung thực. Những hình ảnh lấy cung trong phòng hỏi cung giữa cán bộ với nghi can Huỳnh Văn Nén, nếu không phải là phóng viên chuyên ngành của ngành công an thì khó có ai có được, điều đó đã cho thấy sự đặc quyền ấy. Thêm những hình ảnh giám định trong hồ sơ vụ án cũng được họ đăng lên để chứng minh cho việc điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra là đúng đắn. Nhưng đến nay thì chúng ta đã biết, những việc làm ấy đã góp phần đẩy nạn nhân vào con đường tù tội đến chung thân, không chỉ bằng bản án oan, mà còn từ những bài báo oan như thế.
Theo ông, có cần đưa tư tưởng này vào quy tắc đạo đức báo chí để có nhiều báo cùng làm không?
Quyền con người như Hiến pháp quy định mà tôi vừa đề cập ở trên vốn đã có từ lâu rồi nhưng có mấy ai tôn trọng điều Hiến định ấy. Nhìn vào hoạt động báo chí trong nước, nhất là những những mảng về pháp luật, về xã hội thì đầy rẫy những kiểu đưa tin như bản cáo trạng đanh thép kèm hình ảnh chân dung trực diện người bị xem là nghi can khiến chúng ta cần cảnh báo về mức độ tôn trọng Hiến pháp của hoạt động báo chí trong nước cả thời gian qua.
Do đó, tôi cho rằng, đã là Hiến pháp và pháp luật thì các quy tắc hành nghề của mọi lĩnh vực ngành nghề nào trong xã hội cũng phải lấy quy định đó làm quy tắc bắt buộc sao cho phù hợp với từng ngành, từng nghề. Không chỉ báo chí, các cơ quan tiến hành tố tụng, các luật sư đối tụng với nhau và cả xã hội cũng phải tôn trọng nguyên tắc Hiến định ấy.
Tôi rất đồng tình việc đưa vấn đề tôn trọng quyền nhân thân, quyền con người đối với người “bị” đưa tin ngoài ý muốn của họ trong hoạt động báo chí trong thời gian tới.
Cách đưa hình ảnh nghi can bằng hình vẽ để minh họa cho bài báo vốn đã cũ của người ta, nhưng lại mới ở ta, hiện nay, các báo làm mờ đi nhận diện chân dung của nghi can cũng là một cách, điều đó cho thấy ý thức tôn trọng Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động báo chí đã được nâng lên, điều đó phù hợp với không chỉ luật pháp, mà còn phù hợp với văn minh con người.
Xin cảm ơn ông!