Từ vụ lật tàu Thảo Vân 2: Sẽ diễn tập phương án cứu hộ, cứu nạn trên sông Hàn
Từ sự lúng túng, bối rối, bất lực đêm 4/6...
Vụ lật tàu du lịch Thảo Vân 2 trên sông Hàn đêm 4/6 đã cho thấy một trong những điểm yếu lớn của Đà Nẵng trong việc khai thác du lịch đường sông là khả năng tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố xảy ra. Có mặt trên tàu du lịch Biển Đảo Việt đưa Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ra tiếp cận hiện trường tối hôm đó, PV Infonet đã tận mắt chứng kiến những giây phút lúng túng, bối rối, thậm chí bất lực của các lực lượng chức năng.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ liên tục gọi điện cho các lực lượng chức năng khi ở trên tào du lịch Biển Đảo Việt tiếp cận hiện trường, nhưng... (Ảnh: HC) |
Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng ra hiện trường trước tiên, thấy tàu Thảo Vân 2 đang lập úp nên yêu cầu có người lặn xuống kiểm tra còn người mắc kẹt dưới tàu hay không? Có một cano và 4 - 5 cán bộ, chiến sĩ cứu hộ cứu nạn của Cảnh sát PCCC Đà Nẵng có mặt ở đó nhưng không ai có thể lặn xuống vì không có bình hơi. Ông Đặng Việt Dũng cũng không cho phép lặn không bình hơi vì họ không phải dân chuyên nghiệp như những người lặn mò ngao, chíp chíp trên sông Hàn.
Khi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ra đến hiện trường, vẫn chưa có ai lặn xuống tàu Thảo Vân 2 để kiểm tra. Ông điện BĐBP nhưng lực lượng này đang quây lưới giữ hiện trường và không có thợ lặn chuyên nghiệp. Ông lại tiếp tục gọi Cảnh sát PCCC Đà Nẵng vốn có đội lặn chuyên nghiệp được trang bị đầy đủ. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng hét lên trong điện thoại: “Các ông làm gì mà chậm trễ quá vậy. Một tiếng rưỡi đồng hồ rồi các ông mới xuất phát, người ta chết hết trơn rồi chứ còn cứu gì nữa mà cứu!
Lúc đó, PV của Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng (cùng có mặt trên tàu Biển Đảo Việt) đề xuất nên gọi cho Chủ tịch phường Nại Hiên Đông huy động các thợ lặn chip chip hỗ trợ. Tuy nhiên khi các thợ lặn này đến nơi thì đã quá muộn. Trời quá tối, triều lại xuống, dòng chảy ra cửa biển rất mạnh nên sau gần 2 giờ tìm kiếm trong vô vọng, họ đành phải lên bờ.
Đến khoảng 22h tối 4/6, một trung đội đặc công nước mới có mặt tại cảng Sông Hàn và được Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Phó Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ lặn tìm các nạn nhân. Chúng tôi hỏi sao họ đến chậm vậy, Thiếu tướng Ngô Quý Đức cho biết đến 21h20 ông mới nhận được tin. “Chủ tịch TP Đà Nẵng liên tục gọi cho Quân khu 5 mà sao đến 21h20 ông mới nhận được tin?” – chúng tôi hỏi. Thiếu tướng Ngô Quý Đức trả lời: “Vì thông báo tin là đi từng bước, từng bước nó rất chậm. Vì từ đây họ báo cáo từng cấp, từng cấp rất là chậm!”.
Trung tá Đặng Hữu Tài, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy Đà Nẵng, trực tiếp có mặt ở hiện trường lúc đó cũng tường thuật lại khi trả lời phỏng vấn Infonet: “Khi xảy ra sự cố thì không huy động được nhanh, không biết ai để huy động. Huy động cái gì cũng không biết. Cuối cùng Chủ tịch TP lệnh cho Ủy ban các phường ở địa bàn đó huy động lực lượng dân chài lưới, dân lặn chíp chíp. Cuối cùng là phải nhờ dân, anh thấy không! Huy động mấy ông lặn nghêu, lặn chíp chíp dưới sông, rồi sau đó đặc công nước của Quân khu 5 mới đến. Đáng lẽ nhà nước phải đi trước, nhưng cuối cùng cơ quan nhà nước lại đi sau. Đấy, người ta đánh giá là dân họ đi trước hết!”.
Sẽ diễn tập phương án cứu hộ, cứu nạn trên sông Hàn
Trước tình hình nêu trên, cùng với rà soát toàn bộ các điều kiện đảm bảo an toàn của các tàu du lịch trên sông Hàn trước khi cho phép hoạt động trở lại thì việc hình thành phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra là hết sức cần thiết. Ở thời điểm tối 4/6, nếu khi lực lượng cứu hộ, cứu nạn của Cảnh sát PCCC Đà Nẵng đến hiện trường mà có đầy đủ trang thiết bị cần thiết để lặn tìm ngay thì có lẽ mọi việc đã khác rất nhiều...
Nhiều lực lượng có mặt tại hiện trường trước các thợ lặn chip chip nhưng không ai có thể lặn xuống tìm kiếm các nạn nhân! (Ảnh: HC) |
Sáng 9/6, trả lời PV Infonet qua điện thoại (vì đang đi công tác Hà Nội), Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay đã giao Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP khẩn trương tổng rà soát và hoàn chỉnh phương án cứu hộ, cứu nạn trên sông để báo cáo lãnh đạo TP. Và cũng sẽ có cuộc diễn tập ở mức độ thích hợp trên sơ đồ, sa bàn lẫn trên thực địa nhằm kiểm tra, đánh giá khả năng huy động, sự phối hợp, sự nhuần nhuyễn của các lực lượng chức năng trong công tác này.
“Trong phương án cũng sẽ tập hợp tất cả các tàu du lịch, tàu đánh cá trên sông Hàn ký cam kết khi xảy ra sự cố thì cùng hỗ trợ lẫn nhau. Có thể các tàu này sẽ gắn hệ thống loa nhanh, chứ lúc đó tàu chìm rồi thì còn điện thoại gì được nữa, để phát tín hiệu khi gặp sự cố. Khi có tín hiệu thì các tàu tập trung khẩn cấp đến vị trí đó... Và sẽ tổ chức diễn tập trên sông Hàn để kiểm chứng khi có tàu bị sự cố thì các tàu đến cứu hộ, cứu nạn có đảm bảo trong vòng 5 – 10 phút hay không, chứ để đến 15 – 20 phút thì xác suất sống sót hầu như không còn!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Cũng theo ông Huỳnh Đức Thơ, du lịch đường sông của Đà Nẵng không chỉ tập trung trên sông Hàn mà còn mở ra các vùng sông nước khác như Cu Đê, Cổ Cò... Rõ ràng vùng sông Hàn sẽ ưu tiên nhưng ở các sông khác cũng phải tính. Hiện du lịch đường sông ở các sông Cu Đê, Cổ Cò... chưa phát triển nhưng cần phải chuẩn bị dần, phòng trường hợp có một vài chiếc tàu đưa khác lên các sông đó mà gặp tai nạn thì cũng phải được ứng cứu kịp thời.
“Một số ý kiến cho rằng để tổ chức khai thác du lịch trên sông Hàn cần xây dựng dọc tuyến sông này một số trạm quan sát, cứu hộ nào như các trạm cứu hộ ven biển để kịp thời phát hiện và ứng cứu khi có sự cố xảy ra, chứ như trong vụ tàu Thảo Vân 2 vừa rồi thì chỉ đến khi cs tàu đang chạy trên sông đưa nạn nhân vào bờ thì trong bờ mới biết là có sự cố, và khi ấy thì hầu như đã muộn. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?” – PV Infonet đặt câu hỏi.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho hay, trạm BP ở cảng Sông Hàn sẽ đảm nhận việc quan sát, cứu hộ trên sông Hàn theo đúng chức năng của lực lượng này và TP sẽ nghiên cứu dựng đài quan sát, trang bị thêm ca nô... “Giao cho BP tổng rà soát kế hoạch cứu nạn, cứu hộ trên sông là đúng nhất chứ cảng vụ là không đủ. Chỉ có BP huy động mới nhanh thôi, và BP còn huy động được cả ngư dân nữa. Vì tất cả những ai hoạt động tàu bè đều phải dính tới BP hết!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Cũng theo ông Huỳnh Đức Thơ, việc hoàn chỉnh phương án và tổ chức diễn tập cứu hộ, cứu nạn trên sông Hàn sẽ được tiến hành trước khi cho phép tất cả các tàu thuyền du lịch được hoạt động trở lại, vừa nhằm kiểm tra, đánh giá thực lực, vừa tạo sự an tâm cho người dân và du khách. Nếu vội vàng cho hoạt động trở lại trong khi người dân và du khách chưa thực sự an tâm thì tàu cũng chỉ nằm bến vì không có khách.
“Tuy nhiên với những tàu được đầu tư đóng mới như đôi tàu 4U Sông Hàn thì không có vấn đề gì, chỉ rà soát sơ bộ là cho hoạt động lại ngay vì các tàu này đã quá bài bản rồi, chứ chờ đến khi có phương án và diễn tập cứu nạn rồi cứ để dòng sông Hàn lạnh ngắt thì đâu có được. Còn các tàu khác thì phải rà soát kỹ càng các điều kiện đảm bảo an toàn, kiểm tra chặt chẽ quy trình xuất bến... cũng như để TP nghe lại kế hoạch cứu nạn, cứu hộ rồi mới cho phép hoạt động. Việc này sẽ được tiến hành trong thời gian nhanh nhất!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.