Tử vong trẻ sơ sinh dân tộc thiểu số tiếp tục gia tăng
Đây là ý kiến của ông Youssouf Abdel – Jelil, Đại diện Unicef tại Việt Nam tại lễ “Công bố báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2016- Cơ hội công bằng cho mọi trẻ em” diễn ra sáng 6/7.
Ông Youssouf Abdel – Jelil, đại diện Unicef tai Việt Nam phát biểu tại buổi lễ |
Tử vong trẻ sơ sinh dân tộc thiểu số tiếp tục gia tăng
Theo báo cáo của Unicef thì Tổ chức Y tế Thế giới đã dự đoán rằng từ nay đến năm 2030, hàng năm trên toàn thế giới sẽ có thêm khoảng 250.000 người chết do suy dinh dưỡng, sốt rét tiêu chảy và đuối sức vì nóng do biến đổi khí hậu.
Ông Youssouf Abdel – Jelil, đại diện Unicef tai Việt Nam cho biết: Tương lai của trẻ em nghèo và thiệt thòi có thể phụ thuộc vào những cơ hội mà các em có được. Nhưng khi hoàn cảnh xuất thân thường do số phận quyết định thì cơ hội phát triển của các em lại không phụ thuộc vào số phận. Những cơ hội đó là kết quả của sự lựa chọn- lựa chọn của chính cộng đồng, của xã hội, của các tổ chức quốc tế và chính phủ.
Đại diện Unicef tại Việt Nam cũng đánh giá, trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 58% vào năm 1993 xuống còn 10% vào năm 2014. Tỷ lệ tử vong trẻ em cũng giảm từ 36/1.000 trẻ em sinh sống vào năm 1990 xuống còn 10/1.000 trẻ em sinh sống vào năm 2014.
Báo cáo cũng nêu những khoản đầu tư đúng đắn của Việt Nam nhằm cải thiện hệ thống giáo dục. Cụ thể, tới năm 2012, Việt Nam đã phân bố 21% ngân sách quốc gia cho giáo dục, góp phần đẩy nhanh những bước tiến đối với trẻ em.
Đại diện Unicef tại Việt Nam cũng nhấn mạnh: Dù khá ấn tượng, những tiến bộ này mới chỉ thể hiện một phần trong bức tranh rộng lớn, và nhiều trẻ em vẫn tiếp tục bị bỏ lại phía sau. Khoảng 5,5 triệu trẻ em Việt Nam là trẻ em nghèo theo phương thức tính toán đa chiều. Do điều kiện dinh dưỡng nghèo nàn, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi ở các vùng nông thôn Việt Nam cao gấp đôi ở khu vực thành thị, điều này có thể giải thích tại sao tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh ở các nhóm dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục tăng bất chấp những tiến bộ chung của cả nước.
Cách nào cải thiện?
“Giáo dục có vai trò đặc biệt trong xóa bỏ vòng luẩn quẩn của thiệt thòi và dễ bị tổn thương qua nhiều thế hệ. Dù tình hình chung đã được cải thiện, ở VN tỷ lệ trẻ em chưa từng đi học vẫn khá cao, đặc biệt là ở một số dân tộc thiểu số. Ví dụ, gần ¼ trẻ em người Mông trong độ tuổi đến trường chưa từng đi học hoặc tham gia bất kỳ hình thức giáo dục chính quy nào”- ông Youssouf Abdel – Jelil nhấn mạnh.
Theo ông Youssouf Abdel – Jelil, đầu tư vào những trẻ em thiệt thòi nhất không chỉ đúng về nguyên tắc mà còn giúp mang lại lợi ích trước mắt và lâu dài cho quốc gia. Ví dụ, cứ thêm mỗi năm học mà thanh thiếu niên trên cả nước hoàn thành thì trung bình sẽ giúp giảm tỷ lệ nghèo của quốc gia xuống 9%, cứ thêm một năm trẻ được đi học sẽ giúp các em tăng thêm khoảng 10% thu nhập khi trưởng thành.
“Khi trẻ em được trao các cơ hội như nhay để phát huy tối đa tiềm năng, các gia đình hooxo trợ và quan tâm chăm sóc trẻ em thì cộng đồng sẽ lớn mạnh và quốc gia sẽ thành công trên chặng đường tăng trưởng và phát triển” – ông Youssouf Abdel – Jelil khẳng định.
Tại buổi lễ, ông Doãn Mậu Diệp, thứ trưởng Bộ LĐTB & XH cũng nhấn mạnh: Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn các Mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, trẻ em Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức
Theo ông Youssouf Abdel – Jelil thì, việc từ chối trao cơ hội công bằng trong cuộc sống cho hàng triệu trẻ em sẽ làm tăng thêm những vòng luẩn quẩn của sự thiệt thòi và bất bình đẳng qua nhiều thế hệ, đe dọa tương lai của cả xã hội. Việt Nam có thể lựa chọn đầu tư ngay từ bây giờ để mang lại cơ hội công bằng cho mọi trẻ em và để trở thành quốc gia công bằng hơn,hòa nhập hơn cho tất cả mọi người.
Hướng tới mục tiêu chăm sóc trẻ em tốt hơn, ông Doãn Mậu Diệp cũng nhấn mạnh: Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách trong đó, “luật trẻ em” đã được thông qua. Nhiều chương trình chính sách dành cho trẻ em cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…