Tử vong do nằm sưởi than sau sinh: Vì sao khí CO như sát thủ?
Thời gian qua liên tiếp các ca ngộ độc khí than do quan niệm nằm sưởi than sau sinh. Quan niệm sai lầm này có thể dẫn tới nguy hiểm cho cả gia đình.
Tử vong vì ngộ độc
Mới đây, sản phụ N.T.L (SN 1995, ở thôn Tân Lập, xã Trang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) mới sinh con được 1 tuần tuổi. Trong khoảng 1 tuần nay, sản phụ được người nhà đốt lò than trong phòng để sưởi. Trong thời gian này, sản phụ có biểu hiện mệt mỏi, ăn uống kém.
Sáng 19/11, sản phụ hôn mê bất tỉnh nên gia đình đưa tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để cấp cứu. Tại đây, sản phụ được xác định đã hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, chẩn đoán ngộ độc khí CO, tình trạng nguy kịch. Tối cùng ngày, chị L tử vong.
Trước đó tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng xảy ra trường hợp ngộ độc khí than khiến 4 người trong gia đình nhập viện. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, lúc 9h40, ngày 17/11/2020, chị gái và mẹ ruột của bệnh nhân Bùi Thị V. đến chăm sóc con mới sinh, khi mở phòng thì phát hiện 2 vợ chồng chị V. nằm ở dưới nền nhà.
Người chồng hôn mê, chị V. không tỉnh táo; bà H. nằm trên võng và hôn mê; cháu bé 2 ngày tuổi đang nằm, nên đã gọi mọi người đưa lên Trạm Y tế xã Kỳ Nam cấp cứu. Hiện tại bà H. và anh C. chồng chị V. do tình trạng sức khỏe nguy cấp nên đang được tiếp tục chuyển lên tuyến trên.
Bệnh nhân ở Hà Tĩnh nguy kịch do ngộ độc khí than |
Sát thủ không màu, không mùi
Bác sĩ Nguyễn Bá Trọng - Phó trưởng khoa Cấp cứu chống độc, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Việc sử dụng thiết bị đốt cháy nhiên liệu trong phòng kín như: máy phát điện, bếp than, lò than… sẽ tiêu thụ oxy rất nhanh, đồng thời sinh ra khí CO2 và CO. Khí CO2 gây ngạt thở còn CO gây ngộ độc, cả 2 khí tạo thành một hỗn hợp nguy hiểm. Trong thời gian rất ngắn, người ở trong phòng kín sẽ cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi và rơi vào hôn mê, nguy hiểm.
Nạn nhân bị ngộ độc khí CO có các dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt, yếu cơ, buồn nôn, ói mửa, đau ngực, mất ý thức. Với những người đang ngủ hoặc say rượu, nạn nhân có thể tử vong mà không có biểu hiện nào".
Bác sĩ Trần Văn Phúc – BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết quan niệm nằm than sau sinh là sai lầm và đã gây ra rất nhiều vụ ngộ độc khí than dẫn tới tử vong. BS Phúc cho biết khí CO là “kẻ sát nhân thầm lặng”, bởi vì nó là chất khí không màu, không mùi, không vị, nhưng lại rất độc. Không một ai có thể nhìn thấy, ngửi thấy, hay cảm nhận được khí CO.
Một người khi hít thở không khí trong lành vào phổi, oxy đến các phế nang rồi gắn vào một phân tử có trong hồng cầu gọi là Hemoglobin (Hb). Hồng cầu sẽ vận chuyển oxy đến các mô, tại vị trí cần thiết, phức hợp HbO2 sẽ thực hiện quá trình giải phóng oxy để đi vào chuỗi hô hấp tế bào.
Khi cơ thể hít phải một lượng khí CO, nó làm ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy của máu. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy Hb thích gắn với khí CO hơn là khí oxy.
Trong phổi, CO cạnh tranh với oxy để hình thành phức hợp gọi là Carboxyhemoglobin (HbCO). Khi hồng cầu vận chuyển HbCO đến các mô, CO không thể tham gia chuỗi hô hấp tế bào, vì thế mà tế bào thiếu oxy dần dần sẽ chết. Bệnh nhân ngộ độc CO có cảm giác đau đầu, khó thở, chóng mặt. Lú lẫn và suy nghĩ khó khăn, mất phối hợp động tác, buồn nôn và nôn.
Mạch nhanh, ảo giác, không thể làm theo lệnh chính xác, ngã gục, hạ thân nhiệt, hôn mê, co giật, tụt huyết áp, suy hô hấp, tử vong.
Cũng theo bác sỹ Trọng, khi nghi ngờ nạn nhân có tiếp xúc với khí CO như lò sưởi, bếp than, người nhà cần làm thông thoáng không khí trước khi đi vào vùng nhiễm độc. Mang mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, đề phòng khả năng nổ của không khí giàu khí CO.
Oxy được xem là “thuốc giải độc” cho các trường hợp ngộ độc khí CO, khi sơ cứu, người nhà nếu được thì cho nạn nhân thở mặt nạ oxy ngay. Nếu nạn nhân bị ngưng hô hấp tuần hoàn, cần phải cấp cứu ngừng tuần hoàn và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
K.Chi