Tự sự của một chú rể “thất hứa”
Chưa có bằng chứng nào để chắc chắn “Cô Vy” sẽ rời đi. Kế hoạch hôn lễ ngày 10/10/2020 của chúng tôi có nguy cơ dời về tương lai bất định.
Còn nhớ những ngày tết Nguyên đán, khi số ca nhiễm COVID-19 chưa quá mấy đầu ngón tay, và nhiều người vẫn xem đó như một dạng bệnh cúm, cha mẹ tôi sang nhà nàng, ngỏ lời về chuyện cho đôi trẻ về chung một nhà. Lời ngỏ nhanh chóng nhận được sự đồng ý của nhà gái. Lý do đơn giản: “bọn trẻ” đã có mấy năm tìm hiểu, đã được hai đàng chuẩn thuận.
Theo kế hoạch, lễ đính hôn sẽ diễn ra vào cuối tháng Ba, lễ thành hôn được dự kiến vào tháng Mười. Kỳ thực, với một gã từng bước qua đổ vỡ như tôi, chuyện hôn lễ không phải là cái gì quá lớn, bởi dù bạn tổ chức xa hoa đến mấy, hay giản lược cách nào, thì nó cũng không đảm bảo cho hạnh phúc bền lâu. Tôi hiểu cốt lõi của hạnh phúc nằm trong mỗi con người. Nhưng nàng, dẫu sao cũng là cô gái mới lớn. Trong một xã hội còn lắm ràng buộc, hai chữ “theo không” vẫn quá nặng nề.
Hạnh phúc bền lâu mới là đích đến của chúng tôi, nhưng đám cưới cũng quan trọng chứ... Ảnh minh họa |
Trong lúc chúng tôi chuẩn bị đám cưới, “Cô Vy” bắt đầu nhảy nhót gieo rắc nỗi sợ hãi khắp nơi. Tháng Hai, rồi tháng Ba, hai tuần trước ngày đính hôn, tôi bàn với nàng hủy lễ. Có gì vui đâu khi tổ chức một buổi tiệc trong sự lo lắng về an toàn của mọi người. Nếu chẳng may trong số họ hàng hơn 40 người dự kiến có người nhiễm bệnh thì cả dòng họ sẽ phải bồng bế nhau vô khu cách ly. Cái gánh đó, chúng tôi không gánh nổi. Chưa kể, UBND TP.HCM đã kêu gọi mọi người hạn chế tụ tập, hoãn hoặc hủy các sự kiện đông người. Nàng đồng ý, nhưng tôi biết nàng buồn. Tất nhiên, kể cả nếu nàng có nói không buồn, tôi cũng sẽ tin là nàng nói dối. Cô dâu nào vui nổi khi biết mình sẽ không có lễ đính hôn?
Ngày đính hôn, chỉ có cha mẹ đôi bên và chúng tôi ngồi với nhau quanh chiếc bàn con ăn bữa cơm gia đình, chuyện trò nhỏ nhẹ. Tôi dành một buổi thiết kế tấm ảnh đăng Facebook, chính thức thông báo lễ đính hôn và hẹn lại quan khách vào một dịp khác. Dù sao, động tác đó không thể bù đắp một đám hỏi, nên nỗi ray rứt vẫn ở đó cùng lời tự hứa sẽ “đền” cho nàng vào ngày hôn lễ.
Tôi có cơ sở để tin rằng, Việt Nam sẽ sớm khống chế được “Cô Vy” khi các số liệu thống kê đều ghi nhận ca nhiễm thấp hơn mức trung bình của thế giới, cũng như các biện pháp nhanh chóng quyết liệt của Chính phủ trong việc ngăn chặn dịch bệnh.
Chúng tôi vẫn bên nhau, chuẩn bị cho ngày cưới (sẽ bổ sung một phần lễ hỏi vào trước lễ cưới, trong cùng ngày). Thời gian trôi, khi liên tục nhiều ngày không có ca nhiễm mới, chúng tôi khấp khởi vui mừng khi thấy các lệnh giãn cách được dỡ bỏ, mọi người quay trở lại làm việc, nỗ lực tái ổn định cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Cô dâu của tôi sẽ được mặc áo cưới, đi bên cạnh người cô chọn, như ước mơ của bao cô gái xuân thì.
Chúng tôi cùng nhau đi may áo dài, tậu com-lê, lên kế hoạch chụp ảnh, danh sách khách mời, đặt tiệc nhà hàng, sắm nữ trang (thật may là không rơi vào những ngày vàng tăng phi mã)… Gã đàn ông từng không thể cho cô dâu trẻ một đám hỏi tử tế còn len lén vào cơ quan, một mình ôm ghi-ta tập đàn bài Bridal March (Here come the Bride), quyết định sẽ tự mình đánh đàn rước cô dâu lên sân khấu thay cho tiết mục múa minh họa hay kéo violin như thường thấy ở các đám cưới.
Tấm ảnh được tác giả thiết kế để thông báo với bạn bè trên Facebook về lễ đính hôn của mình |
Nhưng 30 chưa phải là Tết. 99 chưa phải là 100. Sau 99 ngày an toàn, “Cô Vy” giáng một đòn chí tử vào Đà Nẵng rồi nhanh chóng quét sang các tỉnh, thành khác. Các hệ thống phòng vệ được kích hoạt trở lại, mọi người lại được khuyên hạn chế ra đường, giãn cách xã hội, lệnh cấm tụ tập trên 30 người lại được ban ra. Nói sao cho hết cảm giác căm phẫn tột độ của tôi với ả tên Vy ấy nhỉ? Ai ghẹo ả? Ai mượn ả đến với nhân loại đâu?
Vài hôm nữa, theo lịch, chúng tôi sẽ phải đặt cọc lần hai cho nhà hàng, nhưng đến lúc này chúng tôi vẫn chưa có bằng chứng nào để chắc chắn “Cô Vy” sẽ rời đi. Kế hoạch hôn lễ ngày 10/10/2020 có nguy cơ sẽ phải dời về tương lai bất định.
Chúng tôi vẫn bên nhau, nhưng ngày ngày nhìn bộ đồ cưới treo trong tủ, thấy ánh mắt nàng âu lo, trong tôi tràn lên nỗi uất ức, bất lực. Liệu sẽ có bao nhiêu người hiểu cho nàng vì thương mà chịu cái tiếng ở với người bao năm vẫn chưa được cưới? Liệu cái gì có thể khỏa lấp được nỗi hờn tủi của cô dâu nhìn thấy ngày cưới trôi xa khỏi tầm tay? Tôi, sau mấy lần “thất hứa” vẫn tập đàn bản Bridal March, tự nhủ sẽ phải đền cho nàng bằng chính bản thân mình. Nhưng đền như thế liệu có đủ không?
Theo www.phunuonline.com.vn