Từ chuyện chiếc hộp đựng cuống dâu tây ở trang trại Fukasaku (Nhật Bản)
Từ Đà Nẵng chúng tôi đến xứ Phù Tang đúng dịp đang vào mùa thu hoạch dâu tây. Tại các chợ hay siêu thị lớn nhỏ đều thấy bày bán những hộp dâu tây chín mọng, ngon đến... nhức mắt. Tuy nhiên các bạn Nhật cho biết, muốn thưởng thức được những quả dâu tây to nhất, mướt mắt nhất, ngon nhất thì hãy đến trang trại Fukasaku ở tỉnh Ibaraki.
Tỉnh Ibaraki chào đón đoàn Famtrip từ Đà Nẵng đến tìm hiểu, mở tour du lịch (Ảnh: HC) |
Nhờ khí hậu ôn hòa, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm không quá cao, đất đai dành cho nông nghiệp lớn (1.766km2, tương đương 28,8% diện tích của tỉnh và xếp thứ 2 cả nước) kết hợp với nguồn phân hữu cơ và nguồn giống chọn lọc nên Ibaraki trở thành một trong những vựa nông sản bắp cải, cà chua, lê, dưa, củ sen... lớn của Nhật Bản. Trong đó sản lượng dâu tây bán được hằng năm đạt 7,6 tỉ yen, xếp thứ 2 ở vùng Kanto.
Cũng như với những loại rau củ quả khác, trang trại dâu Fukasaku rộng 4,5ha sử dụng hình thức trồng trọt tự nhiên, giống được chọn lọc kỹ, thụ phấn bằng ong, khâu thành phẩm nghiêm ngặt, từ đó cho ra những quả dâu đa dạng chủng loại, đỏ mọng và hương vị phong phú.
Du khách lập tức bị cuốn hút bởi những luống dâu trĩu quả ở trang trạiFukasaku |
Do đang vào mùa thu hoạch nên đoàn chúng tôi cũng như các du khách không chỉ được tham quan mà còn được tự tay chọn, hái và thoải mái thưởng thức ngay tại vườn những quả dâu chín do mình hái được. Khách muốn ăn bao nhiêu tùy thích nhưng muốn đem các quả dâu tươi hay các sản phẩm làm từ dâu về làm quà thì phải mua.
Tuy nhiên điều gây ấn tượng mạnh nhất cho du khách không chỉ là những quả dâu tây mà còn là cách thức trang trại Fukasaku đón tiếp và hướng dẫn khách đến thăm. Trước khi bắt tay vào cuộc “săn dâu tây”, mọi người được chủ vườn, anh Inawashiroko, hướng dẫn cách nhận biết và lựa chọn những quả dâu chín, cách hái làm sao để không làm xước cành, không làm đau cây dâu...
Anh Inawashiroko, chủ trang trại Fukasakuhướng dẫn cách nhận biết và lựa chọn những quả dâu chín, cách hái làm sao để không làm xước cành, không làm đau cây dâu... |
cũng như cách sử dụng chiếc hộp nhựa để đựng dâu tây hái được và đựng cuống dâu sau khi ăn |
Và rồi anh phát cho mỗi người một chiếc hộp nhựa như chiếc hộp mà mấy quán bán cháo dinh dưỡng ở Việt Nam hay dùng để đựng cháo cho khách. Mọi người kháo nhau chiếc hộp này dùng đựng dâu hái được để ăn. Nhưng không chỉ vậy, anh Inawashiroko giải thích, chiếc hộp còn để khách tham quan đựng... cuống dâu tây sau khi ăn dâu, rồi đem đổ vào thùng chứ không xả rác ra giữa trang trại.
Không đơn thuần là lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà trang trại Fukasaku còn cho thấy họ rất lưu ý một việc tuy nhỏ nhưng rất quan trọng. Đó là không chỉ khuyến cáo rồi để mặc khách tự xoay xở mà còn “trang bị” đầy đủ để khách tham quan không phải xả rác ra nền đất. Cách làm này không chỉ riêng có ở trang trại Fukasaku mà tại hầu khắp các điểm tham quan mà đoàn chúng tôi đi qua!
Du khách thực hành hái dâu tây... |
và hết sức háo hức với những quả dâu chín mọng vừa hái được |
Thực ra, theo anh Phan Thanh Tính (Văn phòng HaNa Tour tại Nhật Bản), sau hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại xứ Phù tang, anh nhận thấy đất nước này không phải hoàn hảo đến mức tuyệt đối, mà cũng có xả rác bừa bãi, vượt đèn đỏ, tội phạm... Tuy nhiên, tỉ lệ của những điều đó trong đời sống xã hội Nhật Bản là rất thấp, hầu như không đáng kể.
Để đạt được điều đó, như chúng tôi đã nêu ở bài “Giáo dục Nhật Bản nhìn từ... một giao lộ!”, là do Nhật Bản rất chú trọng khâu đào tạo, hình thành đạo đức, nhân cách, lối sống cho người dân ngay từ khi còn bé để có được những công dân tốt khi trưởng thành. Thứ đến là tạo điều kiện thuận lợi để người dân không bị buộc phải rơi vào những tình huống vi phạm quy định (như không muốn xả rác bừa bãi nhưng vì không có chỗ bỏ rác nên đành phải vứt ra đường)!
Cùng thưởng thức dâu tây và bỏ cuống dâu vào hộp nhựa để đổ vào thùng rác |
Bên cạnh đó là những quy định luật pháp nghiêm ngặt cùng trang thiết bị giám sát hiện đại như hệ thống camera thông minh khiến mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành. Tuy nhiên có một cách mà Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm là sử dụng những người hưu trí vào việc đảm bảo môi trường sống an lành, an toàn cho xã hội.
Theo đó, Cảnh sát Nhật Bản chỉ có nghĩa vụ bảo vệ trị an cho người dân, nếu phát hiện có vi phạm như đỗ xe trái quy định chẳng hạn thì chỉ nhắc nhở nhưng không có quyền xử phạt. Thay vào đó, những người về hưu tình nguyện đăng ký và được trang bị kiến thức pháp luật, đồng phục và chuyên đi “săm soi”, dán giấy phạt lên những xe đỗ sai quy định. Tuy nhiên họ không trực tiếp thu tiền mà chủ xe vi phạm phải tự đến ngân hàng, kho bạc để nộp phạt. Nếu không thì ngân hàng cũng sẽ tự động trừ tiền phạt vào tài khoản của họ.
Những người về hưu Nhật Bản tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông... |
Hoặc có những người về hưu tình nguyện đăng ký tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, được trang bị áo phản quang cùng chiếc kẹp và túi nilon. Họ cần mẫn đi qua những khu vực, tuyến đường của mình, cần mẫn gắp từng mẩu rác rơi vãi cho vào túi nilon. Thậm chí thấy có người đang hút thuốc lá, vứt tàn xuống đường thì họ cũng không nói gì mà chỉ đến nhặt mẩu tàn thuốc lá cho vào túi.
Thấy cảnh đó, chắc chắn không một người hút thuốc lá nào còn đủ “can đảm” vứt bừa bãi tàn thuốc xuống lòng, lề đường. Và không chỉ thế, con cái, cháu chắt của những người hưu trí thấy cha mẹ, ông bà mình tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, làm sạch môi trường như thế thì cũng khó lòng đi xe trái luật, đỗ xe tùy tiện hay xả rác bừa bãi.
Tham gia dọn rác vương vãi... |
Mỗi một gia đình làm được như thế thì sẽ có một tuyến phố được như thế. Mỗi một tuyến phố được như thế sẽ có cả khu phố được như thế. Và mỗi một khu phố được như thế sẽ có cả TP được như thế. Và tất nhiên, mỗi một TP đều làm được như thế thì sẽ có cả đất nước được như thế. Đi qua nhiều tỉnh, thành Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy từ nông thôn đến thành thị đều rất gọn gàng, ngăn nắp.
Điều đó bắt nguồn từ việc mỗi người dân, mỗi gia đình Nhật Bản đều ý thức giữ gìn cho cái chung và không có (hoặc hạn chế đến mức tối thiểu) những hành vi gây ảnh hưởng đến người khác. Để xây dựng được ý thức đó cho người dân mà đặc biệt là lớp trẻ, ngoài giáo dục của nhà trường còn có sự nêu gương của những người đi trước, những người hưu trí.
Kể cả từng mẩu tàn thuốc lá vứt bừa bãi trên đường |
Tuy nhiên như anh Phan Thanh Tĩnh cho biết, khi đăng ký tham gia các hoạt động xã hội như vừa nêu trên, những người hưu trí Nhật Bản không nhằm kiếm thêm thu nhập vì họ đã có lương hưu và cũng chỉ được chính quyền trả cho một khoản thù lao có tính chất tượng trưng.
“Kể cả khoản thù lao tượng trưng đó thì những người hưu trí Nhật Bản thường cũng không giữ lại mà đóng góp làm từ thiện. Giá trị lớn nhất mà họ gặt hái được là về mặt tinh thần, thấy mình vẫn có ích cho xã hội dù đã về hưu. Hơn nữa, đi làm chuyện “vác tù và hàng tổng” ấy, họ còn có dịp vận động cơ thể một cách tích cực thay vì ngồi một chỗ. Có lẽ vì vậy mà tuổi thọ của người về hưu Nhật Bản rất cao!” – anh Phan Thanh Tĩnh nói.