Từ 1/4, phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tăng 25%
Sáng 16/5, Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) - chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã công bố mức phí mới áp dụng từ 1/4.
Theo đó, mức phí mới sẽ áp dụng ở cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ 1/4 tới đây sẽ cao hơn mức phí cũ 500 đồng/km, khoảng 2000 đồng/km, bằng mức thu phí cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Cụ thể, chặng từ Hà Nội đến nút giao đường tỉnh 353 để đi Đồ Sơn hoặc vào trung tâm Hải Phòng có mức phí thấp nhất với xe con là 190.000 đồng/lượt, cao nhất là 750.000 đồng/lượt. Chặng Hà Nội đến cuối tuyến là cảng Đình Vũ có mức phí thấp nhất là 210.000 đồng/lượt, cao nhất là 840.000 đồng/lượt.
Chặng Hà Nội đến nút giao quốc lộ 38B thuộc tỉnh Hải Dương có mức phí thấp nhất là 100.000 đồng/lượt, cao nhất là 400.000 đồng/lượt. Chặng Hà Nội đến nút giao quốc lộ 39 thuộc tỉnh Hưng Yên mức phí thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 170.000 đồng.
Từ 1/4 sẽ tăng phí các phương tiện đi qua cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL 5. |
Theo phương án thu phí mới, xe dưới 12 chỗ, xe tải trọng dưới 12 tấn nằm trong diện tăng phí đến 25%; còn loại hiện áp mức phí cao nhất là xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet không tăng, có một số chặng còn giảm nhẹ.
Trao đổi với báo chí, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vidifi, cho biết cao tốc được xây dựng với tổng mức đầu tư 45.000 tỷ đồng, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4% trong thời gian 30 năm. Mức phí được đưa ra theo lộ trình phù hợp với phương án tài chính xây dựng tuyến đường đã được các bộ ngành phê duyệt. Nếu không tăng thì phương án tài chính sẽ đổ vỡ, các ngân hàng sẽ phá sản.
Đại diện Vidifi cũng cho biết, cùng với việc tăng phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đơn vị này sẽ điều chỉnh tăng phí 2 trạm BOT trên quốc lộ 5.
Theo đó, mức thấp nhất với xe dưới 12 chỗ là 45.000 đồng (hiện nay là 30.000 đồng); cao nhất là xe tải trên 18 tấn, xe container có vé lượt 200.000 đồng (hiện nay là 160.000 đồng).
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105km, điểm đầu giao cắt với vành đai 3 (cách cầu Thanh Trì 1 km về phía Bắc Ninh) thuộc phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội); điểm cuối dự án tại cảng Ðình Vũ (quận Hải An, TP Hải Phòng); có tổng vốn đầu tư 45.487 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD) do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam đầu tư.
Được khởi công vào năm 2008, chủ đầu tư đã giải phóng 1.430 ha đất, bao gồm 115 ha đất thổ cư, còn lại là đất nông nghiệp liên quan 47.000 hộ dân; xây dựng 39 khu tái định cư cho 2.600 hộ dân.
Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong cả nước có 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, với nhiều trang thiết bị công nghệ mới hiện đại.
Trên tuyến có 39 vị trí giao cắt là cầu vượt hoặc hầm chui, 106 cống dân sinh và 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương. 9 cầu lớn vượt sông với tổng chiều dài 4,5 km, trong đó có cầu Lạch Tray dài 1,2km, cầu Thái Bình dài 822 m, cầu Thanh An dài 963m. Cao tốc đi qua 4 khu vực dân cư có bố trí hệ thống cách âm để giảm tiếng ồn. Tuyến cao tốc này được thông xe toàn tuyến vào đầu tháng 12/2015.
Còn quốc lộ 5 là tuyến huyết mạch phía Đông Bắc Hà Nội, có lưu lượnghơn 11.000 xe/ngày đêm, trong đóxe container, xe tải nặng chiếm khoảng 50%. Tuyếnnày đã được nhiều lần nâng cấp, sửa chữa song chất lượng mặt đường vẫn xuống cấp nhanh.