TS.Trần Đình Thiên: "Không nên nói nguy cơ tụt hậu vì chúng ta đã tụt hậu rồi"
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, kinh tế Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề. Kinh tế dần phục hồi nhưng chậm và không tăng mạnh; tiềm năng tăng trưởng không như giai đoạn trước mà có xu hướng giảm xuống từ năm 2015.
Lo ngại thứ hai là vấn đề ngân sách, tăng thu chậm hơn tăng chi, tốc độ tăng chi đầu tư thấp hơn tốc độ tăng chi thường xuyên. Chính vì vậy nợ công tăng lên, cao hơn các nước trong khu vực. Ông Cung đánh giá là một kiểu “ngân sách có hại” cho ổn định, tăng trưởng kinh tế.
Hội Thảo khoa học "Cải cách thể chế kinh tế Việt Nam để hội nhập và phát triển giai đoạn 2015- 2035" |
Ngoài ra, năng suất lao động hiện nay có cải thiện nhưng cũng đang đi xuống. Năng suất lao động tăng nhờ chuyển dịch lao động từ ngành này sang ngành khác còn tăng suất nội ngành rất thấp.
Tiếp theo đó là sai lệch về phân bố sử dụng vốn: phân bố vốn lại tập trung vào những ngành năng suất thấp, hiệu quả thấp, thậm chí năng suất âm như bất động sản, tài chính, xây dựng…. Sở dĩ những ngành này được phân bổ vốn lớn vì tín hiệu thị trường sai lệch, hệ quả hành chính xin –cho. Các nhà đầu tư đang theo lối đầu cơ, thu nhận địa tô (bòn rút của xã hội) hơn là tạo ra giá trị gia tăng mới.
“Chúng ta tự hào về tăng trưởng bình quân 7% nhưng giai đoạn từ 2008 trở lại nay chỉ còn hơn 5%. Nguy cơ tụt hậu của Việt Nam rất lớn nếu không thay đổi. Nếu tăng trưởng 5% thì đến 2035, GDP bình quân đầu người của Việt Nam mới bằng 75% của Trung Quốc hiện nay, và bằng 83% của Thái Lan. Nếu tăng trưởng 7%/năm từ nay đến 2035 thì may ra đến 2035 mới đuổi kịp được các nước”, TS Cung nói.
“Tôi cho rằng yêu cầu phát triển quốc gia không thể chần chừ cải cách kinh tế. Nếu chần chừ, nguy cơ tụt hậu sẽ xa so với các nước trong khu vực. Đổi mới thể chế toàn diện để phát triển hay duy trì cơ bản như hiện nay để ngày càng tụt hậu xa hơn?”, TS. Cung đặt câu hỏi.
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: “Không nên nói nguy cơ tụt hậu vì chúng ta đã tụt hậu rồi, thậm chí một số lĩnh vực tụt hậu xa. Phải tuyên bố rằng vấn để tụt hậu là rất gay gắt và đặt trong bối cảnh hội nhập thì nó sẽ còn nguy hiểm cỡ nào”.
Theo TS. Trần Đình Thiên, GDP bình quân năm 2014, đạt 2025 USD, gấp 21 lần năm 1990. Nhiều người nghĩ là cao, nhưng thực tế trong 14 năm GDP chỉ tăng được 21 lần.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng ổn định kinh tế vĩ mô là cần thiết nhưng chưa đủ, quan trọng là phải thay đổi căn bản thể chế của nền kinh tế.
“Chúng ta đang đứng trước tình trạng không có đường lùi, không còn con đường khác, nếu muốn phát triển, thu hẹp khoảng cách và đuổi kịp các nước trong khu vực”, TS. Cung nói.
Theo ông, bản chất của đổi mới lần này không phải là chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường như 30 năm trước mà là nâng cấp, chất lượng của nền kinh tế theo hướng nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.
Nghĩa là phải thay đổi vai trò của nhà nước phù hợp với vai trò, chức năng của nhà nước trong nền kinh tế thị trường; đổi mới thay thế công cụ quản lý của nhà nước, của thể chế hành chính xin cho bằng công cụ quản lý hướng đến công bằng, cạnh tranh; Không coi kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo mà thay vào đó tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
“Nếu tiếp tục coi kinh tế nhà nước là chủ đạo thì về cơ bản, chúng ta không thể thu hẹp quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước phù hợp với yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ. Cải cách doanh nghiệp nhà nước chỉ nửa vời, không dứt khoát, thiếu thực chất…thì những méo mó, sai lệch thị trường hiện hữu lâu nay vẫn sẽ tồn tại. Điều đó sẽ dẫn đến việc hình thành một nền kinh tế thị trường “lưỡng thể”, thị trường mà chẳng phải thị trường”, TS. Cung nhấn mạnh.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cũng cho rằng, đến năm 2035 Việt Nam phải thành nước công nghiệp, phải tiến lên một bước hiện đại hóa, để có mức thu nhập trung bình trên dưới 10.000 USD. Then chốt của cải cách này là phải thay đổi toàn diện mô hình chứ không phải chỉ là bộ máy, con người.
Lo lắng trước những Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã và sắp ký kết, Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cũng cho biết các FTA mà chúng ta sắp tham gia là những FTA thế hệ mới, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi rất mạnh mẽ nếu không sẽ rơi vào bẫy thương mại tự do, thị trường trong nước sẽ biến thành thị trường của doanh nghiệp nước ngoài, khống chế doanh nghiệp trong nước.
“Cải cách trong nước phải mạnh mẽ, chứ không phải nửa vời, lưng chừng. Chúng ta đã dò dẫm, dò đá qua sông rồi, không còn thời gian nữa đâu. Người dân không thể ngồi mãi chờ lý luận, bởi chờ thì không biết cuộc sống của họ sẽ đi tới đâu”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện chiến lược phát triển cũng cho rằng, quá trình đổi mới giai đoạn đầu tương đối tốt, tốt một cách tự nhiên nhưng giai đoạn sau không tốt bằng và bắt đầu chậm lại.
Theo ông, quá trình đổi mới tư duy sang mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN mất 15 năm, là hành trình “dò đá qua sông”. Quá trình này rất dò dẫm về lý thuyết, lý luận. Nhận thức về mô hình mới vẫn chưa rõ ràng nên gây khó cho việc hoạch định chính sách.
Do đó Viện trưởng Viện chiến lược phát triển đề xuất mô hình kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới: Thứ nhất Nhà nước kiến tạo phát triển hỗ trợ thị trường. Thứ hai: sở hữu hỗn hợp/tư nhân chiếm địa vị ưu thế. Thứ ba: Thị trường quyết định phân bố nguồn lực. Thứ tư, ràng buộc ngân sách cứng, phản ứng mạnh với giá cả, bình đẳng tiếp cận nguồn lực phát triển, hỗ trợ người nghèo… và cuối cùng là thị trường của người mua, phát triển kinh tế có tính chu kỳ.