TS.Bùi Hùng Thắng: Khi nào có 5 sáng chế/năm mới nhận danh hiệu "đẻ sáng chế như gà"!

​Đạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý, được bố mẹ thưởng bộ máy vi tính. Đây chính là cớ để Bùi Hùng Thắng đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin. Nhưng con đường sự nghiệp của Thắng đã bất ngờ rẽ theo hướng khác vì một lá thư đặc biệt.

Tiến sĩ Bùi Hùng Thắng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Triển khai Công nghệ - Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nhà em có điều kiện nên khi em đạt giải quốc gia đã được bố mẹ thưởng bộ máy tính...”, nhà khoa học trẻ với vóc dáng thư sinh, thái độ điềm tĩnh trả lời vậy khi tôi hỏi “Vì sao ban đầu em chọn ngành Công nghệ thông tin, phải chăng vì lá thư kèm thông tin học bổng 3 triệu đồng mà em bẻ lái sang học chuyên ngành Vật lý?”.

Tôi bắt đầu câu chuyện với Tiến sĩ Bùi Hùng Thắng (SN 1984), Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Triển khai Công nghệ - Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, 1 trong 10 Công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2019, bằng một sự bất ngờ như thế. 

Vào ngành Vật lý sau khi nhận lá thư đặc biệt

Tôi được biết chính từ lá thư mời chào của GS. Nguyễn Văn Hiệu (nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã khiến Thắng trở thành 1 trong 7 sinh viên đầu tiên của Khoa Vật lý kỹ thuật, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội. Phải chăng lúc đó Thắng có nhiều lựa chọn và GS. Nguyễn Văn Hiệu là người đã nâng đỡ Thắng trong sự nghiệp của mình?

TS. Bùi Hùng Thắng: Với kết quả đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý trong năm học phổ thông nên em được tuyển thẳng vào trường Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội năm 2002. Mặc dù vậy năm đó em vẫn đi thi và trúng tuyển Khoa Vật lý - Trường Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội.

Sau vì thấy ngành công nghệ thông tin rất thú vị nên em đã quyết định lựa chọn tuyển thẳng vào Khoa Công nghệ thông tin – Trường Đại học Công nghệ.

Tuy nhiên, lá thư của một người thầy và cũng là nhà khoa học đầu ngành là GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu gửi cho em và gia đình đã khiến em thay đổi quyết định. Việc nhận được lá thư từ GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu cũng là niềm vinh dự của em.

Bức thư ố màu thời gian này đã quyết định sự nghiệp của TS. Bùi Hùng Thắng.

Trong lá thư, GS. Nguyễn Văn Hiệu đã khuyến khích những sinh viên giỏi Vật lý nên theo học ngành Vật lý kỹ thuật. Thế là suy nghĩ kỹ lại, em quyết định quay lại theo đuổi và trở thành một trong 7 sinh viên đầu tiên của Khoa Vật lý kỹ thuật - Đại học Công nghệ.

Bức thư được TS. Bùi Hùng Thắng giữ đến tận bây giờ

Đến nay em thấy mình thật may mắn khi đã nghe theo lời khuyên lá thư ấy. Thầy Hiệu là người thầy rất tốt với em cũng như tất cả các học trò của thầy. Thực sự em rất may mắn khi gặp được người thầy tốt như vậy, nếu không có thầy Hiệu, chắc con đường của em sẽ khác hơn bây giờ rất nhiều.

10 năm làm việc với gia tài gần chục bằng sáng chế độc quyền (trung bình 1 năm cho ra đời 1 sáng  chế) Thắng có tự ái không khi có người ví Thắng sáng chế nhiều như gà đẻ? Thắng tâm đắc nhất sáng chế nào?

TS. Bùi Hùng Thắng: Em nhận thấy rằng mỗi năm 1 bằng sáng chế cũng là kết quả bình thường thôi, do vậy có lẽ em vẫn chưa xứng với danh hiệu “đẻ sáng chế như gà”. Em nghĩ đến khi nào có khoảng 5 sáng chế mỗi năm em sẽ vui vẻ nhận danh hiệu này.

Để ra đời một sáng chế thì đòi hỏi giải pháp mình đưa ra phải hoàn toàn mới so với những giải pháp đã biết trên thế giới, phải có hiệu quả kỹ thuật và đủ mức sáng tạo, đồng thời có khả năng áp dụng công nghiệp.

TS. Bùi Hùng Thắng làm việc cùng các cộng sự.

Một trong những sáng chế mà em tâm đắc nhất đó là sáng chế “Module đèn LED tản nhiệt bằng chất lỏng”.

Trong sáng chế này sản phẩm module đèn LED có thể lắp vào hệ thống đèn đường chiếu sáng cũ để nâng cấp thành đèn LED mà không phải bỏ đi hệ thống chiếu sáng cũ một cách lãng phí, do vậy tiết kiệm được đáng kể chi phí trong việc LED hóa chiếu sáng đường phố.

Một sáng chế nữa mà em rất tâm huyết đó là hệ thống chống lóa phân cực cho các phương tiện giao thông đi ngược chiều. Sáng chế được đăng ký cuối năm 2019 và đã được chấp nhận đơn đăng ký.

Trong sáng chế này em đề xuất ra giải pháp để các phương tiện giao thông đi ngược chiều khi bật đèn pha sẽ không gây lóa cho phương tiện đối diện. Hiện nay trên thế giới chưa đưa ra giải pháp tương tự như vậy, vì thế đăng ký này của em có khả năng cao sẽ được cấp bằng. Em cũng đang trao đổi với một số doanh nghiệp để có thể áp dụng sáng chế này trong tương lai gần.

Nhìn bảng thành tích của Thắng, dường như không có từ thất bại. Có vẻ như việc nghiên cứu khoa học của Thắng rất thuận lợi?

TS. Bùi Hùng Thắng: Có thể nói rằng trong nghiên cứu khoa học thì không bao giờ là suôn sẻ và không phải lúc nào cũng thành công, thậm chí số thất bại còn nhiều hơn nhiều lần số thành công. Tuy nhiên đứng trên quan điểm nghiên cứu khoa học thì thành công hay thất bại luôn luôn là niềm vui, có giá trị kinh nghiệm.

Bởi vì mỗi khi thất bại thì mọi người lại cùng nhau suy nghĩ xem tại sao thất bại, lý giải sự thất bại giúp hiểu rõ hơn các vấn đề. Và đó cũng là một loại kiến thức mới để tiếp thu lĩnh hội.

TS. Bùi Hùng Thắngrất đam mê nghiên cứu.

Để đạt được những thành quả cuối cùng thông thường sẽ phải trải qua nhiều thất bại trong các phương án nghiên cứu thử nghiệm. Sự đam mê trong nghiên cứu khoa học và hứng thú khám phá những kinh nghiệm mới sẽ giúp cho mọi người luôn luôn có niềm vui, yêu thích để không bao giờ bỏ cuộc.

Không bao giờ rời Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Làm khoa học trong điều kiện khiêm tốn của Việt Nam so với các nước phát triển khác, Thắng có cảm thấy mình thua thiệt? Có khi nào Thắng nghĩ sẽ ra đi?

TS. Bùi Hùng Thắng: Em nghĩ điều kiện nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay cũng đã tốt hơn so với những giai đoạn trước, cho dù còn khó khăn hơn so với những nước phát triển khác, nhưng em luôn nghĩ không phải chỉ ở nước ngoài mới có thể thành công trong khoa học. Đã có rất nhiều gương mặt nhà khoa học giỏi khác chứng minh điều này.

Giống như câu “an cư lạc nghiệp”, em thích một “ngôi nhà làm việc” ổn định hơn là thường xuyên thay đổi. Em xác định sẽ làm việc ổn định và lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn ở Việt Nam.

Hơn nữa, em thích cách làm việc mang lại những kết quả được tạo ra ở Việt Nam hơn là kết quả được tạo ra ở nước ngoài, nên chắc chắn là em sẽ không bao giờ bỏ Việt Nam để đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, em sẽ cố gắng đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế để có được sự hỗ trợ về chuyên môn và thiết bị từ những nước phát triển cho các hoạt động nghiên cứu trong giai đoạn tới.

TS Bùi Hồng Thắng hướng dẫn các "học trò"

Có nhiều bằng sáng chế như vậy, hẳn là Thắng giàu có và thành đạt hơn so với bạn bè đồng lứa? 

TS. Bùi Hùng Thắng: Các bạn của em có rất nhiều người thành đạt và mỗi người giỏi ở một lĩnh vực khác nhau. Vì vậy khi so sánh với các bạn em thấy mình không giàu. Em cũng chỉ là người bình thường thôi và cũng chưa hẳn là người thực sự thành đạt.

Không chỉ làm nhà khoa học, Thắng còn giữ vai trò người đứng đầu của Trung tâm Ứng dụng và Triển khai Công nghệ. Trong hai vai trò này, Thắng thích vai trò nào hơn, làm cách nào để làm tốt cả hai vai trò này?

TS. Bùi Hùng Thắng: Phương châm sống của em là lấy công việc chuyên môn làm gốc và cố gắng đưa những kết quả nghiên cứu khoa học ra ứng dụng. Vì vậy trong hai vai trò là làm quản lý và nhà khoa học thì em thích làm nhà khoa học nhiều hơn.

Trong nhiều buổi nói chuyện với các đồng nghiệp, em đã tâm sự rằng rất sợ nếu phải làm lãnh đạo, bởi vì khi đó sẽ phải dành nhiều thời gian hơn cho việc quản lý, như vậy thời gian cho công việc chuyên môn khoa học sẽ phần nào sẽ bị hạn chế.

Hiện nay may thay Trung tâm em phụ trách chỉ là một Trung tâm nhỏ, nên em vẫn có thể dành nhiều thời gian vào công việc chuyên môn khoa học.

Em nghĩ rằng giữa nghiên cứu khoa học và quản lý con người thì đều có một điểm chung đó là phải đáp ứng tiêu chí sao cho thật khoa học. Tuy nhiên rõ ràng việc quản lý con người sẽ có những cái khó riêng đòi hỏi sự linh hoạt và mềm dẻo hơn so với làm chuyên môn khoa học.

Để làm tốt cả hai thì em áp dụng nguyên tắc nâng cao sự tự chủ cho mỗi nhân viên. Em ưu tiên việc quản lý công việc chuyên môn của nhân viên trước. Sau khi hoàn thành công tác quản lý sẽ là thời gian để em toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc chuyên môn của mình.

Tiến sĩ từng “nghiện” game

Tật xấu nhất của Thắng là gì, nó có ảnh hưởng nhiều không đến cuộc sống không? Độc giả cũng sẽ rất vui khi được Thắng chia sẻ về cuộc sống của mình ngoài những giờ say mê nghiên cứu khoa học.

TS. Bùi Hùng Thắng: Tật xấu nhất của em đó là không có khả năng làm nhiều việc cùng lúc. Em có thói quen thường rất tập trung làm một công việc, đã làm rồi thì gần như chỉ tập trung làm duy nhất một việc đó cho đến khi xong, và không muốn dừng lại để làm việc khác khi công việc vẫn còn dang dở.

Điều này dẫn đến một hệ quả là em đôi khi hay trễ hẹn với gia đình và người thân, thậm chí với cả đồng nghiệp. Tuy nhiên may mà sự trễ hẹn đó không gây ra những ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của em.

Thắng có thú vui nào khác ngoài nghiên cứu khoa học không?

TS. Bùi Hùng Thắng: Thú vui của em là lướt web đọc tin tức, nghe nhạc và xem phim, vì đây là những thú vui giản dị và không làm em quá đam mê.

Trước đây em có một thú vui khác là chơi game, và đúng như tật xấu đã nói ở trên, khi đã chơi game rồi dù là game đơn giản thì bản tính tập trung cao độ khiến em không muốn dừng trò chơi dang dở mà phải chơi đến cùng. Điều này làm cho em mất rất nhiều thời gian để chơi đến khi kết thúc game.

Sau nhiều lần như vậy, nhận thấy chơi game ngốn quá nhiều thời gian nên em đã quyết định từ bỏ hoàn toàn thú vui này.

Em nghĩ rằng gia đình hạnh phúc sẽ là điểm tựa và hậu phương vững chắc cho mình. Do vậy thời gian sau mỗi ngày làm việc của em là dành cho gia đình, để quan tâm tới người thân, để chơi với con và dạy con học.

Ngoài ra, cuối tuần em thường dành thời gian để cùng gia đình đi chơi đâu đó. Đó là những thời gian hết sức ý nghĩa để em "refresh" (làm mới - PV) bản thân mình sau mỗi tuần làm việc.

Cảm ơn những chia sẻ của TS. Bùi Hùng Thắng!

TS. Bùi Hùng Thắng hiện là Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Triển khai Công nghệ - Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

TS Bùi Hùng Thắng có hai bằng độc quyền sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng và 8 đơn đăng ký sáng chế được chấp nhận năm 2019; công bố khoa học bốn bài báo trên tạp chí quốc tế (trong đó có hai bài ISI, một bài Scopus) và hai bài báo đăng trên tạp chí quốc gia; tham gia đào tạo ba nghiên cứu sinh và một học viên cao học.

TS Bùi Hùng Thắng cũng triển khai ứng dụng kết quả khoa học công nghệ, trong năm 2019 có ba bằng độc quyền sáng chế đang được triển khai bao gồm: “Module đèn LED tản nhiệt bằng chất lỏng” được Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Minh Quang và Nhà máy Nhôm Đông Anh ứng dụng trong sản xuất thử nghiệm; “Bóng đèn LED tản nhiệt bằng chất lỏng tự đối lưu” đang được Công ty TNHH Công nghệ và Xúc tiến thương mại Haledco kết hợp để chế tạo và thương mại hóa sản phẩm; “Quy trình chế tạo kem tản nhiệt nền silicon chứa thành phần Graphene” đang được Công ty TNHH Công nghệ và Xúc tiến thương mại Haledco ứng dụng trong tản nhiệt cho một số sản phẩm đèn LED.

N. Huyền (thực hiện)

‘Kẻ trộm lương thiện’ trong trí nhớ của người thầy 75 tuổi

Với thầy Khang, dạy học, dạy kiến thức là điều bắt buộc, nhưng điều quan trọng hơn chính là dạy cách làm người, dạy cách sống, cách đối nhân xử thế.

Cô giáo 'làm mới' những đứa trẻ ngỗ ngược, lầm lỡ

Bằng tâm huyết và trách nhiệm, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa, giáo viên Trường Giáo dưỡng số 2 (Bộ Công an) đã giúp nhiều trẻ vị thành niên ngỗ ngược, lầm lỡ thay đổi nhận thức, sống hướng thiện.

Trao tặng 230 xe lăn, hơn 600 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó

Trong khuôn khổ CSR Day lần thứ 2, Ban tổ chức đã trao tặng 230 xe lăn cho người khuyết tật và 630 suất học bổng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Nữ giáo sư trẻ nhất ngành y quê Thái Bình, học đại học nổi tiếng trong nước

Chị Trịnh Thị Diệu Thường là tân giáo sư trẻ nhất ngành y năm 2024, hiện làm việc tại Bộ Y tế. Chị quê ở Thái Bình, được đào tạo hoàn toàn trong nước.

Con đứng nhất lớp, học thêm tốn gấp 10 lần học chính, mẹ vẫn lo bị tụt phía sau

Khi thấy những đứa trẻ học thêm tối ngày, nhiều người chỉ trích bố mẹ đặt quá nhiều áp lực mà không biết chúng tôi đang vừa phải gồng gánh kiếm tiền nuôi dạy, vừa 'cân' sức khỏe tinh thần, thể chất và lối vào tương lai của con.

'Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm'

Nhiều ý kiến cho rằng nên có quy định hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm khi giáo viên bị phát hiện dạy thêm. Việc này cũng cần được áp dụng cho tất cả các trường học trên toàn quốc.

Học sinh thiết kế phần mềm ứng dụng cảnh báo trẻ gặp nguy hiểm

Với ứng dụng thông minh cảnh báo tình huống nguy hiểm ở trẻ em và phụ nữ, đội thi Supernova từ Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng đã giành giải nhất cuộc thi Solve for Tomorrow 2024.

Cô giáo xin mua laptop không được giảng dạy đến hết năm học

Cô giáo xin mua laptop ở Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TPHCM không được đứng lớp giảng dạy từ nay đến hết năm học 2024-2025.

'Nhìn thầy cô từ chối miễn học phí cho con, nhân viên trường học càng tủi’

"Trong trường học đâu chỉ có nhà giáo, chúng tôi - nhân viên văn thư, kế toán... cũng cống hiến, có khi một lúc phải kiêm vài nhiệm vụ, lương bèo bọt, không phụ cấp, nhưng lại bị 'quên' trong đề xuất miễn học phí của Bộ GD-ĐT", một độc giả bày tỏ.

Học sinh nhiều năng lực, có khát vọng nhưng thiếu định hướng

Theo PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương Đỗ Duy Hưng, nhiều học sinh có năng lực và khát vọng nhưng thiếu định hướng dẫn đến lựa chọn sai nghề nghiệp, gây lãng phí.

Đang cập nhật dữ liệu !