TS. Ngô Trí Long: “Ấn định lãi 300 đồng/lít xăng, kinh doanh thế thì sướng quá"
Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay vẫn chưa tương xứng với mức biến động của xăng dầu thế giới vì phải gánh quá nhiều thuế phí. Hiện nay thuế phí đang chiếm quá nửa giá so với giá gốc nhập về.
Cụ thể, trung bình 1 lít xăng RON 92 đang phải chịu khoảng 1.900 đồng tiền thuế nhập khẩu (thuế suất 20%); 1.200 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế suất 10%); chi phí định mức 1.050 đồng; lợi nhuận định mức 300 đồng; trích Quỹ Bình ổn giá 300 đồng; thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng; thuế giá trị gia tăng 1.700 đồng...
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết: “Xăng của chúng ta có quá nhiều khoản thu. Giá xăng gần 19.000 đồng/lít thì có một nửa là thuế. Kể từ đầu năm đến nay giá xăng đã được điều chỉnh 10 lần với 6 lần giảm và 4 lần tăng. Trong đó, 6 lần giảm giá tổng mức giảm là 4.390 đồng/lít, trong khi chỉ 4 lần tăng giá nhưng tổng mức tăng lên đến 5.040 đồng/lít. So sánh thì cuối cùng giá xăng vẫn tăng 650 đồng”.
TS. Phong cho rằng bỏ Quỹ bình ổn bởi về bản chất quỹ này hoàn toàn không cần thiết và không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
“Tôi nghĩ nên xóa bỏ Qũy bình ổn xăng dầu vì thực tế nó chẳng có tác dụng. Nếu dùng từ bình ổn giá thì nó không có tác dụng bình ổn mà chỉ làm nhiễu, dễ bị ăn gian, lạm dụng. Nếu muốn ổn định an ninh năng lượng thì nên lập quỹ an ninh năng lượng riêng, giống như Mỹ có thùng dự trữ dầu, lúc cần thì mua vào, lúc cần thì bán ra. Chứ không phải chỉ ghi sổ, quỹ rất dở hơi”, TS Nguyễn Minh Phong nói.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong mặc dù xăng dầu có giảm theo xu hướng chung, nhưng có ba nguyên nhân khiến giá xăng giảm nhỏ giọt, không tương xứng với thế giới.
Thứ nhất là yêu cầu doanh nghiệp phải dự trữ 15 ngày xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng. Điều đó đánh đồng giữa dự trữ quốc gia và nhiệm vụ dự trữ kinh doanh khiến giá xăng dầu không được cập nhật theo thị trường. Thứ hai, trong giá xăng có quá nhiều yếu tố như thuế, trích định mức, lợi nhuận, phụ thuộc vào quỹ bình ổn xăng dầu và 1 số mục tiêu quan lý khác… Thứ 3 nữa là cơ chế quản lý vẫn còn vì lợi ích ngành.
“Tôi không hiểu vì sao lợi nhuận định mức tự dưng tăng vọt lên từ 860 lên 1.050 đồng, ăn thêm 200 đồng mà không biết vì sao. Doanh nghiệp kinh doanh thì chẳng cần vất vả gì”, TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Lý giải nguyên nhân vì sao giá xăng trong nước lại cao hơn hẳn giá xăng thế giới, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho rằng giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào thuế và phí, trích quỹ bình ổn… Cụ thể, trong mấy tháng gần đây, giá dầu trên thế giới đã giảm trên 50%, nhưng trong nước giảm chỉ giảm khoảng 30%.
“Theo báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp kinh doanh xăng được cho là lãi lớn vì kết quả kinh doanh giảm 20% nhưng lợi nhuận lại tăng 170% trong khi người tiêu dùng thấy thiệt vì giá xăng trong nước giảm nhỏ giọt so với thế giới”, TS. Long nói.
Theo TS. Ngô Trí Long, sở dĩ năm nay xăng dầu lãi “khủng” vì 3 nguyên nhân: Thứ nhất chi phí định mức kinh doanh mỗi lít xăng RON 92 từ 860 đồng tăng lên 1.050 đồng/lít. Thứ hai là do duy trì lợi nhuận định mức 300 đồng và nguyên nhân thứ 3 là do giá giảm nên doanh nghiệp mua được với giá thấp.
“Phải xem chi phí kinh doanh định mức đã hợp lý chưa, dựa vào đâu để ông tăng lên 1.050 đồng. Rồi lợi nhuận định mức, giá đầu vào, cái này nên thông qua đấu thầu”, TS. Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng lợi nhuận định mức trong nền kinh tế thị trường không nên cố định định mức.
“Lợi nhuận định mức không nên cố định, bất di bất dịch 300 đồng. Theo nguyên tắc doanh nghiệp phải đối mặt với cả lãi lẫn lỗ. Nếu làm khéo được lãi, còn không sẽ có lúc lãi cao, lãi thấp hoặc phá sản. Cứ ấn định mức lãi nhất định là 300 đồng/lít xăng như hiện nay, kinh doanh thế này thì sướng quá. Điều này phải xem xét lại”, TS. Long nhấn mạnh.
“Xăng dầu của chúng ta phụ thuộc vào thế giới và luôn biến động cho nên cần quỹ dự trự phòng ngừa rủi ro, đề phòng bối cảnh giá thế giới tăng cao. Tuy nhiên vấn đề quan trọng ở đây là nguồn hình thành như thế nào? Hiện nay quỹ này chỉ mới có người dân đóng góp, doanh nghiệp không đóng góp là không được. Ít nhất phải tỷ lệ 9:1. Doanh nghiệp trích quỹ từ lợi nhuận, một phần rất nhỏ để đảm bảo công bằng giữa người tiêu dùng và đơn vị kinh doanh. Tiếp theo đó là vấn đề quản lý, trích quỹ, sử dụng quỹ ra sao”, TS. Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, trao đổi với báo chí mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) lại giải thích, các doanh nghiệp xăng dầu không hề nhận “ưu ái” để lãi lớn. Theo ông Tuấn, quy định chi phí kinh doanh xăng dầu định mức như hiện nay (1.050 đồng/lít với xăng RON 92) và quy định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, kg đã được Liên bộ căn cứ trên các kết quả tính toán đối với tất cả các doanh nghiệp đã thu thập được.
“Liên Bộ không dựa trên số liệu của một doanh nghiệp riêng lẻ nào, mọi số liệu thu thập đều được rà soát đồng thời có yếu tố chi phí yêu cầu doanh nghiệp phải tiết giảm so với thực tế phát sinh”, ông Tuấn cho biết.
Về quy định lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở (300 đồng/lít,kg), theo Bộ Tài chính, đây là mức lợi nhuận giúp doanh nghiệp duy trì hệ thống, ổn định kinh doanh và tạo lập thị trường. Nếu so sánh với các ngành kinh doanh khác thì việc quy định về lợi nhuận định mức như vậy “không phải là lớn”.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn, không phải bất cứ thời điểm nào doanh nghiệp cũng được lợi nhuận 300 đồng/lít,kg, thực tế có những thời điểm Liên Bộ yêu cầu các doanh nghiệp chia sẻ với người tiêu dùng, không tính hoặc không tính đầy đủ 300 đồng/lít,kg (thời điểm Quý I/2014).