TS Khuất Thu Hồng: Quy định 1,5m mới được thi vào sư phạm là phân biệt đối xử!
Đây là quan điểm của TS Khuất Thu Hồng ((Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) xung quanh điều kiện tuyển sinh dự kiến năm 2019 của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với yêu cầu các ngành đào tạo giáo viên tuyển thí sinh nam cao 1,55 m trở lên, nữ cao 1,50 m trở lên.
TS Khuất Thu Hồng: Trẻ em không kỳ thị, không phân biệt đối xử nếu người lớn không dạy chúng làm như vậy |
Dưới góc nhìn của một người nghiên cứu xã hội học, bình đẳng giới, TS Khuất Thu Hồng thắc mắc: Tôi không hiểu tại sao cô giáo cứ phải cao từ 1,5m trở lên còn thầy giáo phải cao 1,55m trở lên? Việc học trò được học với các thầy cô thấp hơn chiều cao quy định đó có gây thiệt hại gì cho các em không? Việc để các em tiếp xúc với những người có chiều cao khác nhau có làm cản trở sự phát triển trí tuệ và nhân cách của các em không?.
“Tôi nghĩ là không. Thậm chí, việc đó còn tốt hơn cho sự phát triển nhận thức và tình cảm của các em. Chúng sẽ học được cách chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng, bởi thực tế là con người là đa dạng về ngoại hình, về tính cách, về khả năng ... Chúng sẽ không lớn lên với những định kiến hẹp hòi và đầu óc thiển cận. Chúng sẽ hiểu rằng trí tuệ, tính chuyên nghiệp, lòng nhân ái ... mới là những điều kiện tiên quyết của nghề làm thầy chứ không phải là chiều cao, ngoại hình hay những khả năng của cơ thể.
Chúng chắc chắn sẽ kính trọng và yêu quý những thầy cô thấp nhỏ, ngồi xe lăn hay khiếm thị ... nhưng chuyên môn vững vàng và dạy chúng bằng tâm huyết”, TS Khuất Thu Hồng phân tích.
Thậm chí, vị chuyên gia xã hội học này còn khẳng định, “học trò sẽ thất vọng về những thầy cô có ngoại hình đúng "tiêu chuẩn" nhưng trình độ kém, thiếu tư cách đạo đức, bạo hành với học sinh, lạm dụng học sinh ... Trẻ em không kỳ thị, không phân biệt đối xử nếu người lớn không dạy chúng làm như vậy”.
Hiến pháp 2013 quy định trong khoản 2 Điều 16: Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Tại Điều 35 khoản 1 cũng quy định, công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc; Nghiêm cấm phân biệt đối xử.
Do đó, TS Khuất Thu Hồng kiến nghị đề xuất này không được thực thi. “ĐH Sư phạm TP. HCM là trường công nên quy định như thế này càng không nên”, bà Hồng nhấn mạnh.
Trước quan điểm của Bộ GD & ĐT về dự thảo quy định này “khuyến khích trường quy định các yêu cầu, điều kiện riêng để hướng tới việc lựa chọn thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề, có khả năng sư phạm... để nâng cao chất lượng đội ngũ thầy cô giáo”, TS Khuất Thu Hồng cho rằng: “ Cách trả lời của Bộ như vậy là thiếu trách nhiệm và nếu Bộ để trường ĐH Sư phạm TP. HCM tuyển sinh theo các tiêu chuẩn như vậy thì rõ ràng Bộ đang tán thành những hành vi phân biệt đối xử và vi phạm quyền con người”.
“Bộ GD&ĐT phải có thái độ cương quyết chứ không thể để tùy trường quyết định được. Ngay cả các trường tư cũng không được phép.
Dường như người Việt đang bị ám ảnh bởi chiểu cao cơ thể (và vẻ đẹp hình thể nói chung) nhưng quên mất rằng chiều cao của nhận thức và vẻ đẹp của tâm hồn mới là những điều cần vươn tới”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhấn mạnh.