Truyền thông y tế: Những việc đã làm được và những việc cần làm ngay
Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế là một trong những chiến lược hợp tác quan trọng giữa Bộ Thông tin truyền thông và Bộ Y tế. Báo Infonet xin trích đăng những bài phát biểu có ý nghĩa trong việc tăng cường hiệu quả tuyên truyền trong lĩnh vực y tế.
Đây là những bài phát biểu nằm trong hội thảo Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế.
Dưới đây là bài phát biểu của Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng Bộ Y Tế.
Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ rất sát sao trong việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Cụ thể, đã có nhiều văn kiện về việc này như: Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Điều này đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trang bị kiến thức và kỹ năng để mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng có thể chủ động phòng bệnh, xây dựng nếp sống vệ sinh, rèn luyện thân thể, hạn chế những lối sống và thói quen có hại đối với sức khoẻ, tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho cộng đồng. Nghiêm cấm quảng cáo thuốc lá, rượu mạnh, các chất kích thích có hại cho sức khoẻ.
Ngoài ra, còn có Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và các Luật, văn bản liên quan; Các chiến lược quốc gia, chương trình hành động, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân…; Các Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định 25/2013/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Về phía Bộ Y tế, Bộ luôn xem công tác truyền thông y tế là một trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế giai đoạn 2011 – 2016. Theo đó, Truyền thông chủ động, luôn đi trước và song hành cùng mọi hoạt động của ngành y tế; Truyền thông góp phần vào kết quả hoạt động, thành tựu công tác y tế; Mỗi cán bộ Y tế phải là một cán bộ truyền thông giỏi;
Ngành Y tế: nhận thức đúng vai trò của truyền thông đối với công tác y tế; Khẳng định vai trò, chức năng của ngành y tế trong công tác BVCSNC sức khỏe nhân dân; Luôn song hành và góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công tác y tế.
Truyền thông đúng cách sẽ giúp huy động sự chủ động tham gia của người dân và toàn xã hội với công tác y tế; khiến người dân hợp tác, tuân thủ, phối hợp cùng ngành y tế. Được cộng đồng và dư luận xã hội ủng hộ, chia sẻ, tham gia.
Chính vì vậy, Bộ Y tế đã ban hành văn bản chỉ đạo, điều hành như Quyết định 4445/QĐ-BYT ngày 15/11/2013 về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Y tế; Chỉ thị 07/CT-BYT ngày19/6/2014 tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế; Kế hoạch, Hướng dẫn thực hiện công tác TTGDSK 5 năm, hàng năm và trọng điểm; Các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác TTGDSK theo từng lĩnh vực công tác y tế; Kiện toàn hệ thống truyền thông ngành y tế; QLNN về truyền thông y tế
Năm 2012 Bộ đã thành lập và từng bước ổn định hoạt động Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng. Các Sở Y tế thành lập và ổn định phòng/đơn vị/bộ phận quản lý về Truyền thông ; Thực hiện chuyên môn nghiệp vụ TTGDSK…
Để nâng cao năng lực truyền thông ngành y tế, Bộ Y tế cũng đã tập huấn kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí; tập huấn kỹ năng cho LĐ Bộ, các đơn vị trực thuộc, Sở Y tế; Các sở Y tế cũng tập huấn kỹ năng cho LĐ Sở, các đơn vị trực thuộc; Tập huấn kỹ năng truyền thông GDSK cho cán bộ y tế trong từng lĩnh vực, hoạt động chuyên môn; Truyền thông vận động chính sách; Truyền thông nguy cơ; Truyền thông thay đổi hành vi; Truyền thông huy động cộng đồng.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có sự phối hợp các cơ quan truyền thông đại chúng. Cụ thể:
- Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên Giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông: cung cấp và xử lý thông tin trong các vấn đề nóng, được dư luận quan tâm tại các buổi giao ban Tổng biên tập, giao ban dư luận xã hội.
- Chương trình phối hợp công tác 02-CTr/BTGTW-BYT giữa Bộ Y tế và Ban Tuyên Giáo TW
- Ký kết Chương trình hợp tác số 1050/CTr-BYT-BTTTT ngày 09/10/2014 giữa Bộ Y tế và Bộ Thông tin Truyền thông về phối hợp thông tin tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2014-2020
Phối hợp các cơ quan truyền thông như xây dựng Chương trình hợp tác giữa Bộ Y tế với Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN và một số cơ quan báo chí; Xây dựng mạng lưới phóng viên chuyên theo dõi y tế để chủ động cung cấp thông tin về hoạt động y tế; Cung cấp thông tin thường xuyên, đột xuất qua họp báo, gặp mặt báo chí, hội thảo, tập huấn, đi cơ sở; Phối hợp chặt chẽ xử lý các thông tin gây bức xúc và được dư luận quan tâm.
Trong hoạt động đổi mới hoạt động truyền thông GDSK, Bộ Y tế đã cung cấp kịp thời, chính xác thông tin CSSK được nhiều người quan tâm về phòng chống dịch bệnh, an toàn tiêm chủng, BHYT, giá dịch vụ, nâng cao chất lượng KCB…; Tổ chức đường dây nóng trong các cơ sở khám chữa bệnh; Nâng cao truyền thông trên mạng xã hội; Chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt là truyền thông trực tiếp cho người bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế còn phối hợp các bộ, ban ngành truyền thông công tác y tế như triển khai các hoạt động phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội LH Phụ nữ, Đoàn TNCSHCM, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ…và nhiều cơ quan, tổ chức khác
Khó khăn và thách thức
Theo nhận định của Bộ Y tế, hiện tại, công tác truyền thông của Bộ Y tế còn gặp một số khó khăn như thiếu một chiến lược - kế hoạch tổng thể về truyền thông giáo dục sức khoẻ; Thiếu các nghiên cứu đánh giá toàn diện và chuyên sâu về truyền thông, cung cấp thông tin y tế và truyền thông giáo dục sức khoẻ;
Đảm nhận chăm sóc sức khỏe cho hơn 90 triệu dân, địa bàn hoạt động rộng khắp, số lượng cơ sở y tế nhiều với hơn 400.000 cán bộ y tế nhưng phần lớn cán bộ y tế chưa có kinh nghiệm và kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông trong khi nguy cơ tai biến y khoa thường trực và khó tránh khỏi.
Kinh phí cắt giảm, đầu tư hiện nay cho công tác truyền thông chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Mạng xã hội phát triển quá nhanh, các thông tin đưa lên nhiều khi thiếu kiểm chứng.
Những giải pháp thời gian tới
Để việc truyền thông về y tế được tốt hơn,Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ để định hướng các thông tin về hoạt động BVCSNC sức khỏe nhân dân.
Ngành Y tế: cung cấp thông tin kịp thời, chính xác .
Ngành Thông tin-Truyền thông: chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện cung cấp thông tin chính xác đến mọi người dân.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ngành Y tế- Thông tin- Truyền thông tại tất cả các cấp. Phối hợp và thực hiện tốt công tác truyền thông về hoạt động y tế, đặc biệt là truyền thông trong các vấn đề nóng, đang được quan tâm;
Phối hợp đào tạo nâng cao năng lực về truyền thông, cung cấp thông tin cho cán bộ y tế; kỹ năng đưa tin, bài về công tác y tế cho các phóng viên báo chí.