Truyền thông Australia lo sợ dự luật “hình sự hóa” báo chí
Tờ The Guardian dẫn cảnh báo của Liên minh Truyền thông, Giải trí và Nghệ thuật (MEAA) cho rằng những đề xuất trên nếu được thông qua sẽ có tác động tiêu cực đối với báo chí công ích của nước này khi hình sự hóa báo chí.
![]() |
Báo chí Australia đang lo sợ bị hình sự hóa khi dự luật mới về an ninh quốc gia được thông qua. |
Đề xuất trên nằm trong một dự luật nhằm cung cấp cho Tổ chức An ninh Tình báo Australia nhiều quyền kiểm soát máy tính và các mạng máy tính hơn, đồng thời ngăn chặn tình trạng rò rỉ các thông tin tình báo.
Theo dự luật, người tiết lộ thông tin liên quan đến các hoạt động tình báo đặc biệt sẽ bị phạt tới 5 năm tù giam. Ngoài ra, các chuyên gia pháp lý cho rằng, các phương tiện truyền thông cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi những quy định mới, nhằm ngăn cản phương thức tiết lộ qua báo giới như kiểu vụ Edward Snowden.
Các công ty truyền thông lớn của Australia đã chỉ trích đề xuất này, tuyên bố sẽ vận động hành lang để dự luật này không được thông qua thành luật.
Right to Know, một liên minh các tổ chức truyền thông với khẩu hiệu "Vì quyền được biết của người dân Úc” cũng đã gửi kiến nghị về đề xuất trên, đồng thời sẽ tổ chức một cuộc họp trong tuần này để thảo luận về một loạt các chính sách hạn chế tự do ngôn luận.
Right to Know bao gồm hàng loạt các công ty, tập đoàn truyền thông lớn của Úc như News Corp, Fairfax Media, các đài truyền hình nhà nước, các mạng truyền hình trả tiền và các đài truyền hình thương mại. Tổ chức được thành lập vào năm 2007 với mục tiêu vận động hành lang ủng hộ tự do báo chí.
Công đoàn báo chí Australia cũng tuyên bố sẽ gửi một bản kiến nghị công khai khi ủy ban tình báo họp phiên điều trần công khai về dự luật này.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.