Trung ương Đoàn đang gỡ khó cho Làng Thanh niên Lập nghiệp như thế nào?
Đường vào thôn Thanh niên lập nghiệp Ia Lốp. |
Từ giai đoạn 2007 - 2013, Trung ương Đoàn đã phối hợp với UBND các Tỉnh phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án xây dựng Làng TNLN dọc đường Hồ Chí Minh, khu vực biên giới và các xã đặc biệt khó khăn. Theo đó, Trung ương Đoàn là cơ quan quyết định đầu tư, giao cho Ban Thường vụ tỉnh Đoàn có dự án làm chủ đầu tư phối hợp với các ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện dự án. Thanh niên lập nghiệp có nghĩa vụ thực hiện theo định hướng và chỉ đạo của Ban quản lý dự án và được giao đất ở, đất sản xuất để ổn định cuộc sống, trong đó đất ở được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất theo quy định.
Trao đổi với PV Infonet, ông Vũ Huy Dương - Ủy viên BCH, Phó Trưởng ban Thanh niên xung phong TW Đoàn, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TW Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết, đến nay các dự án đã kết thúc đầu tư. Dự án được bàn giao cho địa phương quản lý, duy trì và phát triển mô hình bền vững, bên cạnh các dự án đang duy trì phát triển tốt, một số dự án cũng còn khó khăn như báo chí phản ánh thời gian qua. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là do việc bố trí đất sản xuất chưa thực hiện đầy đủ, chưa lồng ghép các mô hình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Thời gian qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã rà soát các nguyên nhân của những khó khăn, chỉ đạo Ban Thường vụ các tỉnh đoàn, Chủ đầu tư dự án tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp. Trong đó đáng chú ý là yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chính sách liên quan đến đất ở, đất sản xuất giao cho các hộ thanh niên tham gia xây dựng làng TNLN theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Vũ Huy Dương khẳng định: "Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã chỉ đạo Ban Thường vụ các tỉnh đoàn, Chủ đầu tư dự án và tổ chức Đoàn các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để kịp thời giải quyết các khó khăn đặt ra, kịp thời hỗ trợ các hộ thanh niên ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển sản xuất".
Cổng Làng A Lưới. |
Về các dự án cụ thể Infonet đã thông tin, ông Dương chia sẻ: Dự án Làng TNLN biên giới A Lưới (Thừa Thiên Huế) được Ban Bí thư Trung ương Đoàn phê duyệt từ năm 2007, khởi công năm 2008, kết thúc đầu tư năm 2012. Tại thời điểm kết thúc đầu tư, có 27 hộ chưa đảm bảo quỹ đất canh tác theo mục tiêu dự án, diện tích bố trí cho từng hộ đạt bình quân 0,7ha/hộ; các hộ còn lại tiếp nhận đợt đầu được bố trí mỗi hộ 2 -3 ha đất ở, đất sản xuất.
Từ đó đến nay, Trung ương Đoàn đã tổ chức kiểm tra và có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị quan tâm giải quyết đất đai, có chính sách hỗ trợ tiền sử dụng đất để các hộ sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với các hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản gửi Chính phủ và Bộ Tài chính đề nghị Nhà nước miễn thu tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ cho các hộ thanh niên nhưng không được miễn, giảm vì các hộ chủ yếu là người Kinh, không thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất của nhà nước.
Để tháo gỡ những khó khăn của làng A Lưới, ngày 24/11/2018, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã giao UBND huyện A Lưới và các Sở ngành liên quan phối hợp đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn, sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ và hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ gia đình tại Làng.
Gần đây nhất, ngày 19/12/2018, tại Hà Nội, ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Thường trực BCH Trung ương Đoàn cũng đã chủ trì buổi làm việc với các chủ đầu tư dự án, trong đó có dự án Làng A Lưới.
Tại buổi họp, ông Nguyễn Anh Tuấn đã đề xuất UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục rà soát bố trí đất sản xuất cho 27 hộ thanh niên, mỗi hộ 2 - 3 ha đất ở, đất sản xuất đảm bảo đúng tiêu chí của dự án.
Đồng thời trình Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chính sách miễn, giảm miễn tiền sử dụng đất cho hộ dân tại Làng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho các hộ thanh niên đang sinh sống và lập nghiệp tại làng.
Còn tại làng TNLN Trường Xuân (Quảng Bình), anh Dương cho biết có tất cả 43 hộ đăng ký di dân nhưng chỉ có 21 hộ thường xuyên đỏ lửa. Những hộ còn lại thì có 15 hộ lên về thường xuyên (do nhà gần), có 04 hộ đi xuất khẩu lao động nước ngoài (cam kết trở về); 03 hộ đã có quyết định thu hồi đất do không thực hiện đúng cam kết trong hồ sơ xin di dân nhưng không chịu sang nhượng nhà cho người mới.
Được biết, trong quá trình thực hiện dự án, các hộ thanh niên di dân được hỗ trợ trực tiếp chi phí khai hoang đất sản xuất 4 triệu/hộ; hỗ trợ di dân 10 triệu/hộ theo định mức dự án phê duyệt trên cơ sở quy định của Chính phủ. Ngoài ra, BTV Tỉnh Đoàn và Tổng đội TNXP đã làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội địa phương, cho vay tính chấp theo lãi suất ưu đãi mỗi hộ tối thiểu 50 triệu đồng, đa số các hộ đã vay và đầu tư sản xuất, mang lại thu nhập ổn định.
Do dự án đã kết thúc đầu tư năm 2012, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ đã không còn. Trong thời gian tới Tổng đội TNXP sẽ đề xuất UBND tỉnh lập danh sách, xác minh và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở vườn hộ, đất sản xuất cho các hộ tuân thủ nghiêm túc quy chế di dân lập nghiệp. Đồng thời Tổng đội TNXP cũng xin chủ trương để giao đất các hộ nhưng không thu tiền sử dụng đất.
Sau khi kết thúc dự án đã có nhiều làng TNLN đi vào sinh sống ổn định với mức thu nhập bình quân đầu người cao. Tuy nhiên, ngay cả những làng đó cũng vẫn còn tồn tại khó khăn.
Ia Lốp là một trong những ví dụ điển hình. Từ vùng đất khai hoang, đến nay các hộ thanh niên làng Ia Lốp đã có cuộc sống tốt với thu nhập cao. Khó khăn duy nhất của Ia Lốp là đường vào quá bé và xấu dẫn đến sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Về vấn đề này, ông Vũ Huy Dương cho biết, Trung ương Đoàn sẽ chỉ đạo Ban Thường vụ tỉnh Đoàn Đắk Lắk tổ chức tu sửa các tuyến đường giao thông; chủ động phối hợp đưa các chương trình, dự án hỗ trợ cho người dân, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương trong đầu tư về cơ sở hạ tầng, góp phần xây dựng nông thôn mới.