Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói về vụ giải cứu 12 công nhân
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 nhận định như vậy khi trao đổi với PV chiều 21.12 về việc đào hầm chữ A - biện pháp tối ưu ứng cứu thành công 12 công nhân sau 4 ngày bị kẹt trong vụ sập hầm ở thủy điện Đạ Dâng – Đạ Chomo (Lâm Đồng) vào chiều 19.12.
Theo tướng Thước, bộ đội Công binh trưởng thành trong chiến tranh là lực lượng rất giỏi, giàu kinh nghiệm, tinh nhuệ. Họ có thể tùy thuộc vào từng tình huống để áp dụng các biện pháp cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân. Việc lực lượng công binh sử dụng biện pháp đào hầm chữ A để vào bên trong khu vực hầm bị sập, giải cứu 12 công nhân, tôi cho đó là biện pháp tối ưu, hiệu quả nhất, vì hầm có thể chống sập ở nơi có nền đất yếu mà phương pháp lại dễ làm, phương tiện sẵn có, phù hợp với trường hợp khẩn cấp.
“Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì hầm chữ A được quân, dân ta sử dụng trên khắp hai miền Nam Bắc rất hiệu quả. Hầm chữ A có tác dụng chống các loại bom, pháo, đạn và trở thành hầm ẩn nấp an toàn cho quân, dân ta khi địch đánh phá. Trực tiếp chỉ huy quân đội tại mặt trận Tây Nguyên tôi cũng cho các chiến sỹ đào hầm chữ A để trú ẩn tránh bom, đạn rất hiệu quả”, Tướng Thước nói.
Tướng Thước cũng cho biết cách để làm hầm chữ A trong cuộc kháng chiến chống Mĩ: Hầm được làm giống hình chữ A, giống cái nóc nhà, gồm các đoạn tre, gỗ tròn, bắt chéo nhau với độ dốc lớn, có khả năng chịu được lực đè rất tốt, có khả năng chống sập tốt. Nguyên liệu để làm hầm chữ A chủ yếu bằng tre, cây gỗ. Chọn tre hoặc gỗ dài hay ngắn để làm cây dựa của hầm tùy theo hầm cao hay thấp.
Trong khi làm hầm nên chọn cây tre, gỗ để làm đòn nóc có kích thước dài bằng kích thước hầm, cây gỗ này có đường kính từ 20- 25 cm, cây phải thẳng, chắc. Chọn cây chống ở hai đầu hầm, đường kính to bằng cây làm đòn nóc, chiều dài của cây chống dài hơn cây dựa hầm từ 20-30 cm để chôn xuống đất cho vững, đầu cây chống chọn cây có chạc hoặc đẽo thành chạc để ôm lấy cây đòn nóc, theo hình chữ A.
Sau khi làm xong hai cột chống ở hai đầu hầm và đặt đòn nóc lên trên thì xếp đứng các cây dựa để làm vách hầm khít vào nhau, dọc theo thân hầm, chân tiếp xúc với đất, đầu dựa vào đòn nóc.
“Chính việc lực lượng công binh, Bộ Quốc phòng lựa chọn phương án giải cứu bằng biện pháp đào hầm chữ A trên nền đất yếu để tiến vào bên trong khu vực hầm bị sập đã giải cứu thành công 12 công nhân thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (Lâm Đồng) đang mắc kẹt bên trong sớm hơn so với dự kiến ban đầu”, Tướng Thước nhấn mạnh.