Trung Quốc tăng 13% số vụ điều tra tham nhũng
Họa sĩ Trung Quốc Zhang Bingjian bên “Bức tường hổ thẹn” với chân dung của các “quan tham” nước này. |
Tờ Trung Quốc nhật báo (Chinadaily) cho biết trong nửa đầu năm 2012, giới chức nước này đã tiến hành số vụ điều tra nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái 12,7%.
Theo tờ báo này, hơn 3/ 4 số vụ liên quan đến tham nhũng và hối lộ, đáng chú ý là trong các ngành cơ khí, xây dựng, đường sắt và giao thông, ngoài ra còn có các ngành như tài chính và bất động sản.
Trong một bài xã luận viết về tầm quan trọng của Đại hội Đảng 18 sắp diễn ra vào ngày 8/11, tờ Tân Hoa Xã khẳng định: “cần phải có những nỗ lực kiên định nhằm chống lại nạn tham nhũng và làm trong sạch bộ máy lãnh đạo”.
Bài báo trên tờ Trung Quốc nhật báo trích dẫn nhận xét của Song Hansong, một giám đốc cơ quan phòng chống tham nhũng của Tòa án nhân dân tối cao.
Ông Song lấy ví dụ về vụ của Zhou Jinhuo, một cựu quan chức tỉnh Phúc Kiến là người đã trở thành ví dụ điển hình cho nạn các “tham quan” hoạt động làm ăn phi pháp. Trong 6 năm qua ông này vẫn luôn được nhắc đến trong các câu chuyện, bài xã luận và các chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giới chức Trung Quốc cho biết ông Zhou đã nhận hối lộ 16 triệu USD đổi lại cho các hợp đồng thương mại và công nghiệp chịu sự kiểm soát của ông ta. Ông này đã chuyển tiền ra nước ngoài và sau đó bỏ chạy sang Mỹ cùng vợ, người đã nhận giấy phép cư trú và thẻ xanh ở Mỹ.
Trung Quốc nhật báo cho biết: “Ông ta vẫn đang trốn chạy ở đó”.
Một bài báo trên tờ Hoàn Cầu vào năm 2010 đã mô tả vụ việc của ông Zhou và hiện tượng nhận hối lộ rồi bỏ chạy như sau:
Cư dân mạng Trung Quốc đã dùng từ “lõa quan” (có nghĩa là các quan chức ở trần) để nói về các quan chức như ông Zhou, những người rũ bỏ mọi rắc rối bằng cách cùng vợ, con và tài sản bỏ chạy ra nước ngoài.
Họ thường lên kế hoạch trước và gửi tiền vào các tài khoản dùng tên vợ hoặc con của mình. Thậm chí nếu họ bị bắt thì khoản tiền mặt được chuyển vào các ngân hàng nước ngoài vẫn thường được giữ nguyên là tài sản của các thành viên trong gia đình quan chức đó.
Ngày càng nhiều quan chức Trung Quốc sa vào nạn tham nhũng và tình trạng đó làm nản lòng các nhà điều tra và khiến dư luận ngày càng khó có thể tha thứ cho các hành vi như vậy.
Theo tờ Rendezvous, những người Trung Quốc giàu có trong đó có các quan chức đảng và chính quyền thường tẩu tán tiền bằng cách mua bất động sản ở Hồng Kông, Macao cho tới Australia, châu Âu và Mỹ. Để tránh tình huống có biến động về chính tri hay kinh tế, các quan chức này giữ rất ít tài sản ở Trung Quốc và do đó họ được gọi là “lõa quan” – tức “các vị quan chức ở trần”.
Hồi đầu năm nay, tạp chí kinh doanh của Trung Quốc Caixin đưa tin Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho rằng từ giữa những năm 1990, có khoảng 18.000 quan chức và nhân viên các công ty nhà nước đã rờ bỏ Trung Quốc và mang theo số tiền ước tính khoảng 127 tỷ USD.
Tân Hoa Xã cho biết sau khi hoàn thành công cuộc chuyển giao quyền lực vào tháng tới, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tiến hành kế hoạch 5 năm loại trừ nạn tham nhũng.
Trung Quốc, tham nhũng, hối lộ, điều tra, quan chức, Đảng cộng sản |
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Hạ Quốc Cường, một ủy viên thường trực Bộ chính trị nhận định tình trạng tham nhũng trong Đảng ngày càng nghiêm trọng. Ông Hạ kêu gọi tiến hành một “dự án chiến lược năng động và dài hạn”.
Tân Hoa Xã cũng nhấn mạnh rằng: “Trung Quốc vẫn luôn chú ý nhiều đến công cuộc chống tham nhũng và tạo ra một bộ máy quản lý trong sạch” sử dụng “các phương pháp độc đáo của riêng Trung Quốc để chống lại nạn tham nhũng”.
Hai cơ quan kiểm soát kỉ luật đảng cho biết trong những năm vừa qua,mỗi năm gần 3/ 4 trong số 1 triệu quan chức trên khắp Trung Quốc đã được giáo dục về chống tham nhũng.
“Giáo dục được thực hiện thông qua các bài giảng, các bài tập tình huống và các chuyến thăm di tích lịch sử cũng như tham gia các phiên tòa và nói chuyện với những người bị bắt giam vì tội tham nhũng”, tờ Trung Quốc nhật báo cho biết.
Tại một vùng của tỉnh Quảng Đông ở phía nam Trung Quốc, chồng/vợ của các quan chức địa phương được giảng dạy về “cách phòng ngừa tham nhũng”.
Người tham dự được dạy “làm thế nào để từ chối tiền hối lộ và giúp chồng/vợ giữ chức vụ trong chính quyền giữ mình trong sạch”.
Theo Trung Quốc nhật báo: “Những người tham dự buổi giảng dạy nhận thấy rằng bài giảng đem lại nhiều kiến thức bổ ích và khiến họ phải suy nghĩ”.