Trụ trì chùa Trăm Gian: 'Phá chùa' không có gì vụ lợi
Trụ trì chùa Trăm Gian: 'Phá chùa' không có gì vụ lợi
Việc ngôi chùa Trăm Gian (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bỗng dưng bị phá dỡ, xây mới thay vì được trùng tu theo hướng bảo vệ di tích đang khiến dư luận bức xúc.
Gác Khánh mới đang thi công phải dừng |
Có mặt tại quần thể chùa Trăm Gian, khá nhiều người dân khu vực chia sẻ: “Chúng tôi là những phật tử hướng về chùa. Nghe ban văn hóa xã phát động đi làm công đức nên sẵn lòng ủng hộ. Chúng tôi không ngờ lại phá hoại di sản văn hóa quốc gia như vây”.
Anh Nguyễn Thế Bình (thôn Sơn Đồng, xã Tiên Phương) cho biết: “Là một phật tử nên khi nghe ban văn hóa xã gọi đi làm cho nhà chùa là tôi đi ngay. Tôi đã làm được hơn 6 ngày công và có ghi công đức vào sổ nhà chùa”.
Anh Bình chỉ tay vào số đá có hình cá, rùa bị đập |
Theo anh Bình, khi tháo dỡ nhà thờ Tổ có phát hiện một tảng đá son gần 1 m3 rất đẹp nằm dưới mặt đất hơn 20cm có hình dạng con cá chép. Còn hai tảng đá bên cạnh cũng bằng chất liệu tương tự nhưng là hình con rùa.
“Do 3 tảng đá này quá to nên chúng tôi đành đập phá rồi chở ra ngoài nhà chùa bỏ. Khi biết phá đi rồi làm mới sẽ đánh mất vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa thì tôi mới hiểu nhưng đã muộn” - anh Bình kể.
Sư thầy Thích Đàm Khoa cho rằng gỗ nhà thờ Tổ và gác Khánh đã hỏng hết |
Sư thầy Thích Đàm Khoa - trụ trì chùa Trăm Gian cho biết: “Nhà chùa không pháchùa Trăm Gian mà chỉ làm mới lại nhà thờ Tổ và nhà thờ Vong (gác Khánh).
Nhà thờ Tổ là nơi các vị sư Tổ và các vị sư tu hành ở đây sau khi viên tịch, được nhà chùa tạc tượng thờ. Còn nhà thờ Vong là nơi thờ các phật tử và người dân chết được người thân mang lên đây gửi hậu”.
Lý do phá bỏ nhà thờ Tổ và gác Khánh được trụ trì chùa Trăm Gian giải thích: “Ngôi chùa đã bị xuống cấp nghiêm trọng nên mới làm lại. Phá bỏ xây mới vẫn giữ nguyên dáng cũ, không khác là mấy. Số gỗ đó tôi phải sang Lào 3 lần mới mua đủ. Gỗ này là gỗ lim Lào rất tốt và đảm bảo an toàn cho nhà thờ Tổ và gác Khánh sau này”.
Sư thầy Thích Đàm Khoa nói về những bức tranh gỗ |
Việc sơn lại tranh gỗ La Hán, sư thầy Thích Đàm Khoa giải thích: “18 bức tượng La Hán được vị trụ trì chùa trước đó cho sơn lại vào năm 1983. Những bức tượng được sơn thì không bị mất, còn các bức khắc thập diện Diêm Vương không sơn có 10 tấm thì mất 8 rồi”.
Ông Tống Bá Lương - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương thừa nhận: “Nhà chùa có nhờ tu sửa nhà thờ Tổ, gác Khánh nên UBND xã mới phát động người dân lên làm công đức”.
Theo Kiến Thức