“Trụ sở bộ ngành phải phục vụ mục đích công cộng”
“Trụ sở bộ ngành phải phục vụ mục đích công cộng”
Giới BĐS định giá trụ sở các Bộ di dời
Đã từng nhiều năm làm quy hoạch, kiến trúc ông có thể cho biết chủ trương di dời trụ sở các bộ ngành trong thành phố được thực hiện từ thời điểm nào?
Trong quy hoạch, từ thời điểm trước khi Hà Nội mở rộng đã đặt ra vấn đề hướng Hà Nội tới mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó có đưa ra vấn đề di dời trụ sở các bộ ngành, bệnh viện, cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm… ra ngoại thành cho phù hợp với quy hoạch.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm |
Vấn đề di dời bộ ngành đã được đặt ra hơn 10 năm nay. Thực tế trong những năm qua, một số bộ, ngành đã thực hiện di dời trụ sở, ví dụ như Bộ Nội Vụ, một số tổ chức phi Chính phủ, tổ chức xã hội nghề nghiệp…
Nhưng chủ trương này vẫn còn thiếu cơ chế đồng bộ, nên việc di dời chưa thực hiện đúng theo quy hoạch. Các bộ mới vẫn có các trụ sở mới để triển khai đầu tư xây dựng, nhưng bên cạnh đó lại vẫn quản lý trụ sở cũ. Thực tế này đã tạo ra sự bất hợp lý khi điều chỉnh chức năng quy hoạch.
Các cơ quan chức năng sẽ phải làm gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
Sau khi Hà Nội mở rộng, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1259/QĐ-TTgngày 26/7/2011 về chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm và các bệnh viện không phù hợp… Trong đó có khoảng 28 trụ sở bộ ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ nằm trong danh sách di dời.
Việc di dời là cần thiết để thực hiện theo định hướng quy hoạch. Tôi cho rằng, lần này sẽ phải làm quyết liệt hơn. Có như vậy mới đảm bảo sự phát triển bền vững, mới xây dựng được một Hà Nội xanh, Hà Nội văn minh, văn hiến được.
Kế hoạch di dời một số bộ ngành đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Theo ông, trụ sở bộ ngành thuộc quyền quản lý của các bộ ngành, hay của Hà Nội?
Để đi tới tận gốc của vấn đề, chúng ta phải căn cứ vào quy định, quy hoạch đất đai hiện nay.
Về chức năng sử dụng đất, ngoài nhà ở còn có trụ sở cơ quan văn phòng các bộ, ngành. Các bộ ngành trung ương được quyền quản lý, sử dụng trụ sở mà bộ ngành đang nắm giữ. Còn đại diện cho thuê là chính quyền địa phương. Cụ thể trụ sở các bộ là do Hà Nội cho thuê.
Khi các bộ, ngành di dời khỏi vị trí cũ, đến trụ sở mới thì cũng là vị trí đất của thành phố. Mà thành phố Hà Nội chính là đại diện cho nhà nước cho thuê lại.
Vậy khi các bộ, ngành di dời đi phải đơn giản hóa các thủ tục di dời. Ví dụ như cơ sở công nghiệp, trước đây đã có chủ trương trả lại thành phố phần trụ sở cũ, đổi lại thành phố sẽ cấp cho một phần đất mới, tương xứng ở vị trí thích hợp trong quy hoạch.
Vì thế các bộ ngành phải tạo điều kiện cho thành phố thực hiện theo quy hoạch.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trụ sở cũ của các bộ ngành sau khi di dời cần được sử dụng cho phát triển các công trình công cộng |
Để đảm bảo quy hoạch, trụ sở cũ của các bộ, ngành sau khi thực hiện di dời nên được sử dụng vào mục đích gì, thưa ông?
Các trụ sở nằm trong nội thành hiện nay đang là một trong những nguyên nhân tạo nên ùn tắc giao thông. Vì thế việc di dời trụ sở trong nội đô là cần thiết.
Sau khi di dời, các trụ sở phải dành cho phát triển các công trình công cộng. Tại những vị trí này có thể xây dựng 17 loại hình công cộng, như: trường học, nhà trẻ, dịch vụ văn hóa, không gian xanh… Tuyệt đối không thể xây dựng các công trình thương mại để bán.
Đặc biệt một số trụ sở bộ ngành đang có nhiều công trình kiến trúc giá trị theo từng thời kỳ. Vì thế chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn chứ không thể phá dỡ. Ví như tại trụ sở Bộ GTVT đang có nhiều công trình kiến trúc Pháp, không thể phá công trình kiến trúc cổ này đi để làm công trình xây dựng hiện đại được.
Nhưng kế hoạch bán trụ sở của Bộ GTVT đã được chấp thuận theo hình thức bán chỉ định. Khi nhà đầu tư bỏ ra số tiền khổng lồ đầu tư vào khu đất “vàng” này, họ phải được quyền quyết định mục đích sử dụng để đảm bảo thu hồi vốn và có lãi?
Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ GTVT chuyển đổi thông qua một chủ đầu tư khác. Vấn đề đặt ra ở đây là tại trụ sở cũ, chủ đầu tư được sử dụng với chức năng gì? Chắc chắn lúc đó chủ đầu tư sẽ phải làm việc với cơ quan quản lý nhà nước.
Vì Thủ tướng là người phê duyệt quy hoạch, nhưng tổ chức thực hiện Thủ tướng lại giao cho thành phố Hà Nội. Vậy chức năng sử dụng trên phần đất ấy vào mục đích gì thì phải theo Hà Nội và phải được sự thống nhất của UBND TP Hà Nội.
Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp muốn đầu tư mua lại trụ sở bộ ngành?
Tôi cho rằng, trước khi quyết định mua lại trụ sở, chủ đầu tư phải căn cứ vào chức năng sử dụng đất, vào không gian được phép sử dụng. Ví dụ nếu xây dựng chung cư thì chiều cao công trình đó như thế nào, được phép xây tối đa bao nhiêu tầng?
Cái quan trọng là phải nắm rõ chức năng sử dụng đất, chứ vị trí khu đất không thể quyết định hết được giá thành. Đó là điều các nhà đầu tư cần hết sức lưu ý.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Dũng
(thực hiện)