Trồng hoa trong vườn, nữ bệnh nhân bị giun lươn bò khắp người
Hình ảnh giun lươn bò dưới da |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh viện vừa điều trị cho một ca bệnh bị giun lươn. Bệnh nhân 50 tuổi, sống tại Lào, có vườn hoa nên tự tay trồng, chăm cây hoa. Gần đây bệnh nhân thấy dấu hiệu mờ mắt, ngứa ngáy nên quay trở về Việt Nam.
Thỉnh thoảng tức ngực, ho khạc ra đờm có những sinh vật nhỏ ngọ ngoạy. Khi về Việt Nam, bệnh nhân đi khám và xét nghiệm có huyết thanh chẩn đoán giun lươn (+) đã đến BV Nhiệt đới Trung ương để tư vấn xin đơn thuốc.
Bác sĩ Cấp cho biết trước đó bệnh viện cũng điều trị cho bệnh nhân nam 70 tuổi bị sốt kéo dài, nhiễm trùng huyết nhiều lần. Bệnh nhân đã điều trị ở rất nhiều bệnh viện, tái phát đi tái phát lại và khi vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân được điều trị nhiễm trùng đồng thời với diệt giun lươn mới hết tình trạng nhiễm trùng huyết tái phát. Bệnh nhân phải điều trị kháng sinh 4 tuần mới ra viện.
Bác sĩ Cấp cho biết Giun lươn lưu hành khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 35 triệu ca mắc.Tại Châu Á giun lươn có khắp các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philipines, Malaysia…
Tại Việt Nam tỷ lệ người có từng nhiễm giun lươn lên đến 29.1% Tây nguyên có tỷ lệ cao nhất lên tới 42.4%. Tuy vậy hầu hết các ca nhiễm giun lươn mạn thường không có triệu chứng hoặc đôi khi chỉ có mẩn ngứa hay các nốt giun di chuyển ngoằn ngoèo dưới da hoặc ậm ạch khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ. 75% số này có tăng bạch cầu ái toan ở các mức độ khác nhau.
Tuy nhiên những bệnh nhân này nếu vì lý do gì đó bị suy giảm miễn dịch sẽ khởi phát siêu nhiễm dẫn đến tình trạng rất nặng với các biểu hiện viêm phổi nặng, nhiễm trùng máu do các vi khuẩn đường ruột, nhiễm ấu trùng giun lươn lan tỏa ở nhiều vị trí như màng não, màng tim, mắt, vv… và tỷ lệ tử vong ở nhóm này có thể lên tới tới 40%.