Trồng hàng nghìn cây nho trong chậu cảnh, anh xây dựng thu cả tỷ đồng
Vườn nho cảnh của Lê Ngọc Cường ở Ninh Thuận có hơn 2.000 gốc nho với nhiều giống khác nhau được tạo dáng phong thủy theo khung giá đỡ. Giá mỗi chậu cây dao động từ 500 nghìn đồng đến 5 triệu đồng.
Nhận thấy mô hình trồng nho cảnh trong chậu đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Lê Ngọc Cường, Giám đốc Hợp tác xã A8 (HTXA8), xã Phước Thuận (Ninh Phước) đã mạnh dạn đầu tư. Đến nay, trang trại nho cảnh của HTXA8 được xem là mô hình trồng nho điển hình nhất tại địa phương.
Những ngày cuối năm, chúng tôi ghé thăm vườn nho cảnh của HTXA8, thấy được sự tỉ mỉ của anh Cường đang uốn nắn những cành nho để tạo dáng cho cây. Được khen chịu khó anh Cường cười nói: Làm cây nho cảnh là cứ phải canh đúng thời điểm uốn tạo dáng để cây vừa đẹp mà vẫn ra được nhiều trái.
Là người làm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong một lần tình cờ anh Cường thử trồng nho trong một chậu cảnh bỏ không của gia đình, nhận thấy cây nho phát triển tốt anh nảy ra ý tưởng trồng nho cảnh bán.
Nghĩ là làm, anh bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc nho trong chậu. Sau thời gian mày mò, thử nghiệm và tích lũy kinh nghiệm, cuối cùng anh Cường cũng đã thành công, các cây nho bắt đầu phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, cho quả nhiều và đẹp.
Đến năm 2017, anh đã đưa ra thị trường những chậu nho cảnh đầu tiên và được nhiều khách hàng đón nhận.
Lượng khách ngày một tăng lên, yêu cầu cũng ngày càng khó hơn. Để tăng tính cạnh tranh cho cây nho cảnh và tạo được thương hiệu theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tháng 3-2019, HTXA8 được thành lập, do anh Lê Ngọc Cường làm Giám đốc.
Vườn nho cảnh của Hợp tác xã A8 ở xã Phước Thuận (Ninh Phước).
Hiện vườn nho cảnh của HTXA8 có hơn 2.000 gốc nho với nhiều giống nho khác nhau như: Nho đỏ (Red Cardinal), nho NH01-152 được ghép trên gốc nho dại nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tăng sức thu hút đối với khách hàng.
Cây nho được tạo dáng phong thủy theo khung giá đỡ, theo anh Cường thì mọi năm làm giá đỡ hình tròn, nhưng năm nay anh đổi tạo dáng theo biểu tượng của Ninh Thuận là tấm pin năng lượng mặt trời.
Tùy theo năm tuổi, mỗi cây nho cảnh cho sản lượng quả khác nhau, để có một chậu nho đẹp thì ngay từ khi cây phát triển cứng cáp sẽ được đưa vào chậu trồng, tạo dáng, nẹp bằng thanh inox, tiến hành cắt cành, bón phân, tưới nước… sau khoảng 2 tháng chăm sóc kể từ lúc cắt cành thì cây nho ra hoa, đậu quả.
Giá mỗi chậu cây dao động từ 500 nghìn đồng đến 5 triệu đồng. Những gốc nho lâu năm và có thế đẹp thường được khách đặt hàng từ trước và giá có thể cao hơn. Chỉ tính riêng năm 2019, trừ chi phí thì HTXA8 thu về hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 12 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Anh Lê Ngọc Cường, Giám đốc Hợp tác xã A8 bên vườn nho cảnh.
Chia sẻ với chúng tôi về khó khăn khi làm nho cảnh, anh Lê Ngọc Cường, Giám đốc HTXA8 cho biết: Trồng chậu nên quy trình chăm sóc cây nho khó hơn mà khó nhất là giai đoạn tạo ra trái do sức đề kháng của cây trong chậu yếu hơn, nên phải có mái che bảo vệ bông nho và làm sao để trái ra đúng dịp tết.
Đối với cây nho trồng ngoài đất thì 1 năm thu hoạch 3 vụ nhưng nho cảnh trong chậu thì một năm mới cho quả. Nhưng bù lại, nho cảnh chỉ cần dùng phân hữu cơ, không dùng thuốc hóa học nên đỡ tiền phân thuốc, giảm chi phí đầu tư gấp 4-6 lần so với trồng bình thường, mang lại giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, HTXA8 phân phối cây nho cảnh cho hơn 30 tỉnh, thành phố và sẽ mở rộng hơn đến tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Huỳnh Ngọc Du, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận (Ninh Phước) nhận xét: Trên địa bàn xã, mô hình trồng nho cảnh trong chậu của anh Cường hoạt động rất tốt. Được biết HTXA8 đang xây dựng mô hình Làng nho du lịch sinh thái trải nghiệm Phước Khánh (Ninh Phước) và sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay, với tổng diện tích 53ha, HTXA8 đầu tư hơn 4 tỷ đồng, khuôn viên làng nho sẽ trưng bày khoảng 10.000 cây nho cảnh giống mới và đưa đón du khách bằng xe điện khi tham quan tại khuôn viên làng nho, với nhiều hoạt động trải nghiệm hy vọng đây sẽ là điểm nhấn du lịch của xã và là mô hình trồng nho theo hướng đi mới tiêu biểu nhất tại xã Phước Thuận.
"Biến" rác thải thành nước rửa bát, lau nhà, tạo nguồn thu nhập "khủng"
Từ các rác thải hữu cơ như rau cúc, vỏ dưa hấu, rau mương… bỏ đi, bà Trịnh Thị Hồng (Đà Nẵng) đã biến chúng thành nước rửa chén, nước giặt, lau nhà không độc hại, giúp bảo vệ môi trường, giúp hàng trăm hộ nghèo có thêm thu nhập
Theo Phan Bình/Báo Ninh Thuận