Trồng cây dược liệu dưới tán rừng, vừa bảo vệ vừa phát triển rừng bền vững
Với gần 1.000 loài cây dược liệu quý hiếm, Nghệ An là một trong những địa phương có nguồn dược liệu phong phú nhất của cả nước. Không chỉ tạo nguồn nguyên liệu quý, các dự án trồng dược liệu đã góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân, đặc biệt là bảo về và phát triển rừng bền vững.
Trong khoảng 2 năm nay, vùng Đồng Trẹ thuộc xã Thanh Tiên (huyện Thanh Chương) trở thành cánh đồng trồng dược liệu. Tháng 4/2021, doanh nghiệp phối hợp liên kết thuê đất của bà con để sản xuất cây dược liệu. Ngoài tiền cho thuê đất, 18 hộ nông dân còn có việc làm ổn định, thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/tháng từ trồng, chăm sóc và thu hoạch cây dược liệu.
Sau 1 năm triển khai, xã Thanh Tiên hiện đã có 20 ha sản xuất giống cây dược liệu. Theo Kế hoạch đến hết năm nay sẽ mở rộng lên 50 ha, và đến năm 2024, đơn vị thực hiện dự án sẽ liên kết với các hộ dân để sản xuất đại trà trên diện tích 3.000 - 4.000 ha ở nhiều xã trên địa bàn huyện, phục vụ nguyên liệu tại chỗ cho nhà máy chế biến dược liệu, dự kiến sẽ được xây dựng ngay tại xã Thanh Tiên, đầu quý 1 năm 2023.
Những thành công ban đầu, không chỉ góp phần tạo sinh kế và thu nhập cho người dân mà còn là tiền đề quan trọng để huyện Thanh Chương tiếp tục chuyển đổi cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Những năm gần đây, dự án trồng và sản xuất dược liệu của Tập đoàn TH tại huyện Kỳ Sơn không chỉ tạo một vùng dược liệu với nhiều loại cây thuốc quý, mà còn góp phần quan trọng thay đổi bộ mặt bản, làng, nâng cao và ổn định đời sống bà con dân tộc thiểu số vùng dự án.
Hiện tại Kỳ Sơn, diện tích vùng trồng dược liệu đã lên đến 136 ha, thu hút và tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng. Tập đoàn TH cũng đã xây dựng nhà máy chiết xuất dược liệu với các trang thiết bị hiện đại, bao tiêu toàn bộ các sản phẩm dược liệu trên địa bàn.
Còn ở huyện Quế Phong, là huyện có những loài cây đặc sản, dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như cây lùng được coi là “vàng xanh” của huyện, mỗi ha lùng hàng năm cho thu nhập trung bình khoảng 15- 20 triệu đồng; cây chè hoa vàng Quế Phong cũng là loài cây đặc hữu làm dược liệu, đồ uống chữa bệnh có giá trị rất cao (khoảng 4 triệu đồng/ kg hoa khô) sinh trưởng, phát triển trong rừng thứ sinh; cây bon bo là loài cây dược liệu, sinh trưởng tốt dưới tán rừng tự nhiên, mang lại giá trị thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/ha/năm; và cây mét là cây phòng hộ, bảo vệ môi trường tốt, nhất là phòng hộ hồ đập thủy điện, chống xói lở ven sông, khe suối.
Đầu năm 2022, Trung tâm tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An phối hợp với UBND huyện Quế Phong, UBND 2 xã Đồng văn, Thông Thụ thực hiện dự án “Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây chè hoa vàng, cây lùng, cây mét và cây bon bo nhằm giảm áp lực lên đa dạng sinh học (ĐDSH) và chức năng hệ sinh thái rừng tại các xã vùng đệm Đồng Văn, Thông Thụ, khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An” với sự tài trợ của chương trình phát triển Liên Hiệp quốc, chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Nguyễn Văn Đệ, thu nhập từ trồng cây dược liệu cao hơn từ 4-14 lần so với trồng cây hoa màu. Theo kế hoạch, Nghệ An phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển ổn định gần 18.000 ha cây dược liệu.
Không chỉ Nghệ An, tỉnh Bình Thuận cũng là địa phương có tiềm năng phát triển cho các loài cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên.
Theo Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận, dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh có rất nhiều loài dược liệu, mỗi loài được phân bố và tập trung ở những khu vực và trạng thái rừng khác nhau.
Đơn cử khu vực huyện Bắc Bình và Tuy Phong có sự phân bố của các loài như cốt toái bổ, ba kích, sâm bố chính, xáo tam phân, mật nhân, bụt giấm. Ngoài ra, dưới cánh rừng tự nhiên tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam có sự phân bố của nhiều loài nấm linh chi; Khu Bảo tồn thiên nhiên núi Ông tại huyện Tánh Linh có củ mài gừng, cốt toái bổ, thổ phục linh, lan kim tuyến; khu vực huyện Đức Linh có trà hoa vàng quý hiếm…
Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận đã giao Chi cục Kiểm lâm phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng và các loại hình du lịch sinh thái bền vững gắn với phát triển, bảo vệ rừng, với tổng kinh phí thực hiện 650 triệu đồng.
Ngoài trồng 0,2 ha nấm linh chi tại khu vực rừng tái sinh xã Hàm Cần, còn có 0,1 ha nấm dưới tán rừng tự nhiên ở tiểu khu 257, xã Mỹ Thạnh.
Được biết, nấm linh chi đỏ tự nhiên trên thị trường có giá khoảng 300.000 đồng/kg tươi và khoảng 1,5 triệu đồng/kg khô (4,5kg nấm tươi sau khi phơi khô sẽ được khoảng 1kg nấm khô); còn với nấm linh chi ươm giống dưới tán rừng, giá mỗi kg nấm khô (15%) có giá từ 700.000 - 1.000.000 đồng.
Theo TS Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Thuận, hiện nhu cầu sử dụng cây dược liệu ở nước ta ước tính từ 60.000 - 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng từ trồng và khai thác chỉ mới đáp ứng được khoảng 30%, còn lại nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Bình Thuận hiện trên 288.564 ha và rừng trồng hơn 47.568 ha, độ che phủ rừng tới 43%. Dưới tán rừng có nhiều loài cây dược liệu quý mọc tự nhiên như sáo tam phân, mật nhân, huyết rồng, nấm lim xanh…
“Với tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, sẽ mở ra hướng đi mới, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân gần rừng. Vì thế về lâu dài, cần có nghiên cứu về nhu cầu của thị trường, có sản phẩm chế biến phù hợp, đảm bảo đầu ra vừa tiêu thụ được trong nước, vừa hướng đến xuất khẩu”, TS Lương Thanh Sơn nói.
Hiện nay, tại Bình Thuận, cây dược liệu được trồng dưới tán rừng chủ yếu là các loài cây có giá trị cao, có thị trường tiêu thụ nhiều như nấm linh chi, sâm bố chính, khoai mài dưới tán rừng tự nhiên….
Theo đó, các mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng có quy mô diện tích là 0,8 ha, gồm 0,4 ha sâm bố chính; 0,2 ha khoai mài; 0,2 ha nấm linh chi.
Tại tỉnh Sơn La, những năm gần đây, gần 100 hộ dân sống ở bản Phiêng Ban thuộc huyện Quỳnh Nhai hiện đã mạnh dạn trồng và phát triển diện tích cây sa nhân dưới tán rừng, bước đầu tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống của người dân làm nghề rừng.
Ngoài công dụng làm dược liệu, sa nhân còn dùng để chiết xuất tinh dầu làm hương liệu, gia vị thực phẩm, làm nước hoa, dầu gội... Đặc biệt, cây sa nhân dễ trồng, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, cây trồng sau 2 - 3 năm bắt đầu cho thu hoạch. Nếu chăm sóc tốt, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm. Ngoài hiệu quả kinh tế, rất có lợi cho phòng, chống cháy rừng, chống rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.
Hiện nay, có nhiều địa phương đã chú trọng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. Mô hình này không chỉ giúp phát triển kinh tế, làm giàu cho bà con và địa phương và còn nâng cao trách nhiệm của các chủ rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Nguyễn Vũ