Triển khai PPP: Chấm dứt cảnh "địa phương lên Trung ương xin hỗ trợ"
Khẳng định này được lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra tại hội nghị giới thiệu Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, diễn ra sáng 25/3.
Theo ông Lê Văn Tăng – Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trước đây có nhiều quy định đầu tư theo hình thức công tư như BOT, BTO, BT đối với đầu tư nước ngoài. Nhưng tới khi Thủ tướng ban hành Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm dự án đầu tư theo hình thức PPP nên dẫn tới nhiều quan niệm hiểu khác nhau về hình thức PPP. Trước sự nhận thức không đồng nhất, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu xem xét bản chất và ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức PPP.
Cũng theo ông Tăng, hình thức đầu tư dự án PPP sẽ khắc phục được phần nào tình trạng “nhanh trước, chậm sau” trong quá trình triển khai dự án hiện nay. Một dự án PPP thường có thời gian kéo dài từ 10-20 năm, do đó nhà đầu tư khi đã quyết theo đuổi đấu thầu theo hình thức này phải xác định sẽ “chung sống” với dự án.
Triển khai dự án đầu tư theo hình thức PPP, sẽ chấm dứt cảnh dự án "nhanh trước, chậm sau" |
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương sẽ có thêm một kênh thu hút vốn để tháo gỡ những nút thắt hiện tại trong đầu tư dự án công. Yêu cầu về tài chính với nhà đầu tư muốn tham gia PPP cũng “chặt” hơn, đơn cử: muốn tham gia vào PPP bản thân vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải từ 15-20%, vốn vay ngân hàng từ 50-70%, nghĩa là vốn vay từ ngân hàng chiếm 1/3 nguồn vốn hỗ trợ dự án. Nếu các định chế tài chính, ngân hàng không ủng hộ thì rất khó triển khai.
Đặc biệt, vai trò của Nhà nước cũng được xác định rõ là một đối tác của hợp đồng, Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư.
Nói về những điểm mới trong Nghị định 15, ông Hoàng Ngọc Phương – Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho hay, ngoài 3 hình thức hợp đồng trước đây (BOT, BT, BTO) thì nghị định mới sẽ bổ sung thêm 4 hình thức hợp đồng mới, gồm BOO, O&M, BTL, BLT… Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng được quyền đề xuất các hợp đồng khác về xây dựng chuyển giao trong quá trình phát sinh triển khai dự án, miễn là các bên đạt được thỏa thuận đàm phán và thỏa mãn các điều kiện theo gia dự án theo hình thức PPP.
Trước lo ngại cho rằng, việc “mở” cho tư nhân “chen chân” vào các dự án đầu tư công sẽ là bước đệm chuyển giao độc quyền Nhà nước sang độc quyền tư nhân, ông Phương khẳng định, “đây là cách hiểu sai lệch”.
Bởi thực tế, các dự án theo hình thức này là Nhà nước giao cho nhà đầu tư tư nhân làm, nhưng không phải “thả” toàn bộ, mà Nhà nước vẫn kiểm toán chặt chẽ bằng các quy định cụ thể trong Luật Đầu tư công. Nhà nước cũng chịu trách nhiệm kiểm soát về chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư trong mối tương quan với khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp - bên chịu chi phí cuối cùng trong dự án đầu tư PPP.
Ngoài ra, khi triển khai Nghị định 15 về PPP thì đồng nghĩa sẽ chấm dứt cảnh “địa phương chạy lên Trung ương xem dự án đề xuất được hỗ trợ bao nhiêu”. Bởi, Nghị định này sẽ quy định rõ thu, chi, giá cả, lãi suất, lợi nhuận… của nhà đầu tư để đưa ra khoản hỗ trợ, đảm bảo tính khả thi. Cơ sở để nhận được hỗ trợ từ vốn Nhà nước sẽ dựa vào phương án tài chính của từng dự án cụ thể.
Với hình thức đầu tư PPP, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư kỳ vọng ngay cả những dự án “khó nhằn”, khó thu hút đầu tư như kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn… thì tới đây sẽ thu hút được lượng vốn đáng kể từ khu vực tư nhân.