Tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Ai thương giáo viên "trơn" chúng tôi?
Tự múa …tự vỗ tay
Để có những tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, giáo viên các trường mầm non và các cấp học cơ sở phải tập luyện cho các học sinh để có tiết mục tham gia buổi biểu diễn. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng tập tành để có tiết mục múa, hát tham gia vui vì “phong trào chung” với trường, với ngành.
Để tập văn nghệ, cô giáo N T H dạy ở một điểm trường tiểu học ở xã miền núi xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) phải cùng với các đồng nghiệp tranh thủ khi hết giờ lên lớp lại tập tành múa hát. Khi buổi trưa, lúc buổi tối, các cô thầy tập xong thì mới lọ mọ dắt xe chạy về nhà.
“Trên này (một điểm đường ở xã Trọng Hóa – xin giấu tên) chỉ có văn nghệ, chứ không có thi đấu thể thao bóng chuyền, cầu lông như các trường dưới xuôi. Ngoài tập văn nghệ cho các cháu, giáo viên chúng em cũng tập vài tiết mục của cô thầy để tham gia biểu diễn. Tập múa cho các cháu học sinh miền núi khó khăn hơn học sinh dưới xuôi, nên chất lượng các tiết mục cũng tương đối thôi” – cô giáo N T H chia sẻ.
Ngoài dạy học, các giáo viên còn "bao nhiêu việc" trong tháng tri ân Ngày nhà giáo 20/11. |
Nói về vất vả, bận rộn trong tháng 11, cô H cho biết, gia đình cô ở xã Xuân Hóa, cách điểm trường xã cô dạy 70km. Nhà có 2 con nhỏ, chồng làm ở trong miền Nam, nên con cái phải gửi lại cho bà ngoại trông coi. Hằng ngày cô H chạy xe máy trèo đèo, lội suối để đi dạy và hết giờ về chăm sóc con nhỏ.
“Trường có dãy phòng nội trú cho giáo viên, nhà trường bắt giáo viên phải ở lại, vì xa xôi đi lại hằng ngày lỡ có việc gì không ai chịu trách nhiệm. Hoàn cảnh 2 đứa con nhỏ, đưa lên nội trú phải thuê người chăm sóc, điều kiện đi chợ búa xa quá, nên em đi về, chỉ ở lại buổi trưa. Giờ nhiều khi buổi tối nán lại tập văn nghệ xong, về đến nhà thì con ngủ rồi. Sáng 5 giờ mẹ dậy đi dạy thì con đang ngủ say” – cô H tâm sự.
Để các tiết mục văn nghệ có chất lượng, các giáo viên còn phải tập văn nghệ, duyệt, biểu diễn. Kinh phí tập văn nghệ, thuê đồ diễn thì cô chủ nhiệm và học trò “tự xử”, vì nhà trường không duyệt chi. Thời gian tập luyện, các cô, trò phải tranh thủ lúc rảnh và cuối giờ vì nhà trường “còn bao việc” khác phải làm trong tháng này.
Đến ngày tổ chức văn nghệ, cô biểu diễn trò xem vỗ tay, trò thi văn nghệ thì cô thầy vỗ tay động viên. Ngoài một số đại biểu khách mời, thì quanh đi quẩn lại chỉ có giáo viên, học sinh múa cho nhau xem mà thôi. Những tiết mục nào đạt giải thì cũng là niềm an ủi, còn không thì cô trò lại hứa hẹn năm sau làm tốt hơn.
Nỗi sợ thanh, kiểm tra
Với cô giáo N T H L đang dạy ở trường tiểu học L.N ở thành phố Đồng Hới, tuy dạy gần nhà, nhưng tháng 11 này lại không có thời gian dành cho gia đình. Ngoài dạy học ở trường, cô H.L tham gia giải bóng chuyền, văn nghệ..., nên lịch kín mít.
Nhiều giáo viên, học sinh tự trang trải chi phí thuê trang phục văn nghệ vì nhà trường không cung cấp kinh phí (Ảnh có minh họa) |
Ngoài các hoạt động tổ chức vui chơi như văn nghệ, thể thao, các trò chơi vận động ra; các giáo viên cũng “căng mình” với thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi và các sự kiện dự giờ, thao giảng, thanh tra, kiểm tra liên tục trong tháng 11 này.
Một nhà giáo chia sẻ “trước ngày 20/11, nào là Sở, Phòng thay nhau kiểm tra, mà giáo viên thấp cổ bé họng nghe kiểm tra là xanh mắt. Lại hồ sơ, giáo án,... Mà các lãnh đạo đến kiểm tra, không biết họ kiểm tra vào dịp này vì lý do gì không biết. Một năm thiếu gì ngày kiểm tra?".
Thiết nghĩ, các thầy cô giáo là những người làm công tác chuyên môn dạy học các học trò về đạo đức và kiến thức. Những hoạt động tri ân Ngày Nhà giáo là đáng quý, nhưng chúng ta cần phải tổ chức phù hợp, và thiết thực để dịp 20/11 còn có ý nghĩa thiết thực, tránh phong trào và hình thức đem lại tác dụng không mong muốn nhưng người trong cuộc không dám nói.