Trẻ nổi loạn, bí quyết trừng phạt không cần đòn roi?
Mặc tiếng mẹ “gầm rú” dường như con bé quá quen với cảnh này nên nó cứ trơ ra, tay vẫn cắm cúi lấy thuốc trét hết vào chân mà chẳng cần biết, bên cạnh mẹ nó sốt ruột đến cỡ nào.
Đem câu chuyện của mình chị Thư tâm sự với chuyên gia tâm lý, dường như chị thất bại với cách dạy bé Minh. “Nó luôn luôn làm theo ý mình, bất chấp mọi lời giải thích của bố mẹ, anh chị. Đã thích uống nước cam là bằng mọi cách uống cho bằng được, bố mẹ không pha cho thì nó lấy quả cam ra cấu véo, móc đến khi toe toét cả quả cam ra mới thôi. Không thích học thì ép đến cỡ nào nó cũng không.
Ngày nào cũng như ngày nào, đi học đi làm thì chớ cứ tối về là như chiến trường. Tiếng quát con của bố mẹ, tiếng chí chóe của đám con khiến tôi stress ghê gớm. Thành ra, cứ không nói được đến câu thứ 4- 5 là tôi quất roi ngay”, chị Thư nói.
Theo các chuyên gia, trừng phạt trẻ thực ra không mang lại hiệu quả mà người lớn mong muốn, thậm chí còn có hại cho trẻ, để lại cho trẻ những hậu quả cả về mặt thể chất và tâm lý, tinh thần. Vì vậy, thay vì dùng hình thức đánh mắng, trừng phạt trẻ, người lớn vẫn có thể đạt được mục đích giáo dục trẻ bằng phương pháp kỷ luật tích cực. Kỷ luật tích cực là biện pháp mà người lớn thực hiện nhằm thay đổi hành vi tiêu cực ở trẻ em nhưng không gây ra sự đau đớn về thể chất và tinh thần ở trẻ, có hại cho sự phát triển của trẻ.
Theo đó, cách kỷ luật trẻ em mang tính tích cực dựa trên các phương pháp: hệ quả tự nhiên và logic; hình thành, thiết lập nội quy, nề nếp kỷ luật trong nhà trường và lớp học; thời gian tạm lắng. Hệ quả tự nhiên là những gì xảy ra một cách tự nhiên, không có sự can thiệp của người lớn, như: khi không ăn sẽ bị đói, khi quên mặc ấm có thể bị cảm...
Phân tích thêm về câu chuyện “trừng phạt con”, Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành cho biết, hệ quả logic đòi hỏi sự can thiệp của người lớn hoặc của trẻ khác trong gia đình hay lớp học, như: khi không làm bài tập ở nhà thì đến lớp sẽ bị điểm kém, khi trẻ phá đồ chơi thì sau đó bố mẹ sẽ không mua cho nữa... Việc sử dụng hệ quả tự nhiên và hệ quả logic có hai mục đích chủ yếu: thứ nhất là dạy cho trẻ có ý thức trách nhiệm về các hành vi của chính mình, khích lệ trẻ đưa ra những quyết định có trách nhiệm; thứ hai là có thể thay thế cho trừng phạt: trẻ vẫn học được cách ứng xử tốt mà không cần người lớn đánh mắng.
Cũng theo vị chuyên gia tâm lý này, nếu mục đích của việc dùng hệ quả tự nhiên và logic là nhằm dạy trẻ về trách nhiệm thì việc thiết lập nội quy là nhằm để bảo vệ trẻ. Nội quy, nề nếp tạo cơ sở cho trẻ hiểu xem những hành vi nào là phù hợp, những hành vi nào là không phù hợp và đâu là giới hạn không được vượt qua. Thời gian tạm lắng là thời gian trẻ đang hoặc có nguy cơ thực hiện hành vi không mong muốn (như trêu chọc, đánh bạn, đập đồ chơi…) bị tách ra khỏi hoạt động mà trẻ đang tham gia.
Trong lúc "tạm lắng" trẻ phải ngồi một chỗ, không được chơi, không được trò chuyện hay tham gia hoạt động như những trẻ khác. Việc này diễn ra trong một không gian và thời gian nhất định để cho trẻ bình tĩnh trở lại, suy nghĩ về hành vi không đúng mục đích của mình và tiếp tục tham gia các hoạt động đang diễn ra. Một số kỹ năng khác như lắng nghe tích cực, khích lệ, chế ngự căng thẳng, tức giận… được áp dụng vào thực hành phương pháp kỷ luật tích cực.
Và điều quan trọng nhất trong thực hiện kỷ luật tích cực, không phải ở phía trẻ mà là ở phía người lớn vì người lớn mới là người thực hiện kỷ luật.
Do đó, để kỷ luật tích cực trẻ, đầu tiên người lớn như ông bà, cha mẹ, thầy cô phải hiểu tâm lý từng độ tuổi của trẻ để mà ứng xử như thế nào khi trẻ mắc lỗi hay có hành vi không mong muốn.
Thứ hai, là người lớn phải được trang bị một số cách nào đó để giảm căng thẳng, tức giận của bản thân khi đối diện với hành vi không mong muốn của trẻ.
Thứ ba, người lớn phải biết những phương pháp nào giúp trẻ tốt hơn mà không sử dụng đòn roi, đánh mắng. Muốn vậy, người lớn phải học để có những kiến thức này, có thể thông qua được đào tạo, tập huấn hay đọc nguồn tài liệu…