Trẻ hủy xương, viêm não do căn bệnh lây từ mẹ, nhiều người chủ quan
BS.CK2 Dư Tấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết từ đầu năm tới nay, bệnh viện ghi nhận số trẻ nhiễm bệnh giang mai tăng cao bất thường.
Nguy hiểm là các bệnh nhi có biến chứng hủy xương, bao gồm xương cánh tay, đầu dưới xương đùi và xương chày. Khi xét nghiệm trẻ dương tính với giang mai. Mẹ của bệnh nhi cho biết bản thân lúc mang thai cũng được xét nghiệm giang mai. Kết quả dương tính nhưng không điều trị, không dự phòng lây từ mẹ sang con, cho đến khi con bị mắc bệnh mới nhớ tới xét nghiệm giang mai dương tính trước đó của mình.
Có trường hợp trẻ còn mắc giang mai bẩm sinh và biến chứng viêm màng não nghiêm trọng, các bác sĩ phải tiêm kháng sinh lâu dài và tích cực điều trị. Trước đó, khoa cũng đã tiếp nhận 2 trường hợp mắc giang mai biến chứng viêm gan nặng. Dù đã nỗ lực cứu chữa nhưng do tình trạng nguy kịch nên 2 bé đã tử vong.
BS Quy cho rằng trẻ không được dự phòng lây nhiễm giang mai sẽ để lại hậu quả, nghiêm trọng là tử vong và gánh nặng chi phí điều trị rất lớn cho gia đình.
So với các bệnh xã hội khác thì giang mai thường biểu hiện mờ nhạt hơn nên nhiều người thường bỏ qua và không điều trị, bệnh chuyển qua giai đoạn mãn tính, người mang vi khuẩn giang mai nhưng không biết nếu sinh con sẽ truyền cho con.
BS Trương Hữu Khanh – nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng trước đây giang mai ở trẻ sơ sinh là bình thường. Các bác sĩ gặp nhiều hơn nhưng từ khi có chiến dịch phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con thì giang mai từ mẹ sang con cũng giảm hơn. Nếu giang mai bẩm sinh quay lại ở trẻ sơ sinh sẽ là vấn đề đáng lo.
Theo Tổ chức Y tế thế giới từ nay tới năm 2030, chúng ta sẽ thanh toán 3 bệnh lây từ mẹ sang con như giang mai, viêm gan B, HIV… nếu giang mai quay trở lại sẽ khó.
Khác với các bệnh lý khác, giang mai bẩm sinh, con đường lây nhiễm duy nhất là lây từ mẹ bị bệnh. Trong khi đó, người mẹ khó phát hiện nếu bạn không tầm soát, theo dõi triệu chứng thì nó sẽ thoáng qua và không rõ bệnh.
Biểu hiện giang mai ở trẻ sơ sinh - trên da có nhiều bóng nước và trợt da. Còn các triệu chứng khác rất khó tìm. Nếu các dấu hiệu bóng nước thì trẻ đã biểu hiện nặng. Giang mai bẩm sinh phát hiện sớm được qua xét nghiệm.
Khi trẻ sơ sinh bị giang mai không được phát hiện, trẻ lớn lên có thể bị tổn thương răng, tổn thương xương. Nhiều trẻ bị giang mai bẩm sinh lướt qua triệu chứng nhưng lớn lên biếu hiện ở hủy xương, răng, khuôn mặt.
Trẻ bị giang mai bẩm sinh không được phát hiện còn còi cọc, chậm phát triển, kém thông minh. Nhiều trẻ đi khám bác sĩ chụp Xquang thấy xương, cung răng “lạ” lúc đó bác sĩ mới tầm soát giang mai.
Việc điều trị giang mai ở trẻ sơ sinh chỉ cần dùng kháng sinh nhưng phải điều trị sớm, đánh giá xem bệnh nhi có tổn thương thần kinh không.
Việc điều trị giang mai cho trẻ cần theo dõi thời gian dài để đánh giá xét nghiệm lại, các tổn thương, di chứng sau điều trị. Bệnh nhi cần duy trì phác đồ điều trị tuyệt đối.
BS Khanh cho rằng nhiều bà mẹ mặc cảm với bệnh giang mai nên không tiếp cận y tế sớm dẫn tới bệnh truyền cho con. Đây là một sai lầm vì nếu không điều trị đứa trẻ sinh ra sẽ mắc giang mai. Bà mẹ mang thai điều trị giang mai không ảnh hưởng gì đến thai nhi.
Bệnh giang mai hoàn toàn phòng ngừa được vì bệnh lây qua đường tình dục. Với những người mang thai, BS Khanh cho rằng, tốt nhất nên xét nghiệm giang mai lúc mang thai để phát hiện sớm và dự phòng bệnh. Cha mẹ trước đó đã từng mắc giang mai cũng nên tầm soát thật tốt để dự phòng lây cho trẻ.
Đây là bệnh lây qua đường tình dục, cách phòng tốt nhất đó là quan hệ tình dục an toàn.
Khánh Chi