Trẻ bỗng nhiên mất giọng, bệnh thường gặp nhưng khi nào cần đi bác sĩ ngay?
Nếu trẻ tím tái, khó thở; không thể nói hay khóc vì khó thở; bồn chồn, kích thích mà trước đó mất giọng, ho ông ổng thì cần phải gọi cấp cứu ngay…
Trẻ bỗng nhiên mất giọng, bệnh thường gặp nhưng khi nào cần đi bác sĩ ngay? (Ảnh minh họa) |
BS. Phí Xuân Thi, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cho biết, viêm thanh quản là nhóm bệnh nhiễm trùng ảnh hưởng đến khí quản, đường thở chính mà chúng ta dùng để thở. Viêm thanh quản hay gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Và thường ít gặp ở trẻ trên 6 tuổi. Viêm thanh quản gây ra tiếng ho ông ổng giống “tiếng sủa”. Ở hầu hết trẻ, đều tự khỏi, nhưng có một số ít trẻ cần tới bác sĩ hoặc phải nhập viện.
BS Thi cho biết, viêm thanh quản thường bắt đầu với các triệu chứng cảm lạnh thông thường. Trẻ bị chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi. Một hai ngày sau, có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như: Ho ông ổng như tiếng sủa, hoặc như tiếng ếch kêu; Khàn tiếng (mất giọng, hoặc giọng nói khó chịu, khó nghe); Sốt (thường trên 38 độ); Bắt đầu thở rít, khò khè, đặc biệt tăng lên khi vận động, gắng sức, hoặc kích thích.
Các triệu chứng có xu hướng nặng hơn vào ban đêm.
Đây là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em, theo các bác sĩ nhiều trẻ tự khỏi bệnh mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, không vì thế mà các bậc phụ huynh chủ quan bởi bệnh vẫn có thể diễn tiến nặng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ.
“Điều quan trọng là theo dõi các triệu chứng nặng. Hãy gọi xe cấp cứu ngay nếu:
Trẻ trở nên tím tái, xanh nhợt; Khó thở; Không thể nói hay khóc vì khó thở; Những con ho giữ dội...; Rất bồn chồn, kích thích; Trông có vẻ rất buồn ngủ, hoặc không đáp ứng với bạn”, BS Thi nhấn mạnh.
Trong trường hợp trẻ bị nhẹ hơn các bậc phụ huynh hãy gọi cho bác sĩ của bạn nếu bạn có bất cứ thắc mắc hay lo lắng về tình trạng của trẻ hoặc nếu: Trẻ ho không lên tiếng; Chảy nước dãi nhiều hoặc không thể nuốt; Trẻ khò khè, thở rít ngay khi ngồi hoặc nghỉ ngơi; Thở rút lỗm lồng ngực, hõm ức; Trẻ dưới 3 tháng tuổi sốt trên 38 độ; Trẻ trên 3 tháng tuổi bị sốt ( trên 38 độ) kéo dài hơn 3 ngày; Triệu chứng của con bạn kéo dài hơn 7 ngày.
Các chuyên gia cũng cho biết trong trường hợp trẻ bị viêm thanh quản bố mẹ có thể ngồi trong phòng tắm cùng trẻ với vòi nước nóng đang chảy dưới vòi hoa sen tạo ra hơi nước. Phụ huynh cũng có thể sử dụng các loại máy tạo để ẩm trong phòng ngủ của con.
Cho trẻ hít thở không khí ngoài trời, nếu mà trời bên ngoài lạnh, bạn mở cửa sổ trong 1 vài phút nhưng nhớ mặc ấm hoặc cuốn chăn mềm giữ ấm cho trẻ.
Nếu trẻ kèm sốt cho trẻ uống hạ sốt bằng các loại thuốc như paracetamol ( hapacol, efferagal,..) hoặc ibuprofen (brufen, sotstop,...). Tránh dùng aspirin cho trẻ dưới 18 tuổi.
Nếu con bạn hơn 1 tuổi, hãy cho trẻ ăn thức ăn lỏng, ấm, để làm dịu cổ họng, giúp làm loãng chất nhầy.
Sử dụng gối, gối cao đầu trẻ khi nằm nếu trẻ trên 1 tuổi ( không sử dụng gối nếu trẻ dưới 1 tuổi).
Ngủ cùng phòng với con bạn, để biết khi nào trẻ khó thở.
Giữ cho trẻ tránh xa những người đang hút thuốc. Không cho phép bất cứ ai hút thuốc trong nhà của bạn.
“Viêm thanh quản được gây ra bởi vi rút, dễ dàng lây từ người sang người. Vi rút này sống trong những giọt tiết nhỏ bay vào không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, hay nói chuyện.
Do đó, để phòng bệnh phụ huynh cần rửa tay của bạn và con bạn thường xuyên bằng nước và xà phòng, hoặc dùng nước sát khuẩn tay nhanh; Tránh xa những người lớn hoặc trẻ em mắc bệnh. Hãy đưa trẻ đi tiêm phòng một cách đầy đủ nhất những vắc xin được khuyến nghị cho trẻ bao gồm cả cúm. Và hãy tiêm phòng cúm cho cả gia đình”, BS Thi nhấn mạnh.
N. Huyền