Trẻ 5 tuổi đã bị đột quỵ nguyên nhân vì đâu?
Ảnh minh hoạ |
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã can thiệp thành công giúp bé trai N.T.A, 5 tuổi (quê Long An) bị đột quỵ qua cơn nguy kịch. Theo người nhà, trước khi nhập viện bé lên cơn co giật đột ngột và phức tạp, gồng tay chân, không sốt. Bác sĩ qua thăm khám nhận định bệnh nhi có dấu hiệu tổn thương thần kinh khu trú, méo miệng, yếu liệt đã chỉ định chụp MRI. Kết quả, ghi nhận bệnh nhi có nhồi máu não vùng đỉnh trái.
Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông của mạch máu ở não bị tắc nghẽn làm chết những tế bào não ngay tại vùng bị tắc, còn những tế bào não ở vùng kế cận sẽ bị giảm lượng máu đến nuôi dưỡng.
Ở trẻ em, đột quỵ tương đối hiếm, chỉ chiếm 2,5/100.000 trường hợp. Nguyên nhân thường gặp nhất là các bệnh lý tim bẩm sinh, bất thường mạch máu não và khoảng 1/3 số trẻ em bị đột quỵ không tìm thấy nguyên nhân. Với trường hợp này, các bác sĩ nghi ngờ trẻ bị dị dạng mạch máu não và không phát hiện ra sớm.
Trước đó, bệnh nhân N.T.T (16 tuổi, ở Gia Bình, Bắc Ninh), bị đau đầu từng cơn, tiếp đó đau nửa người trái. Gia đình đưa lên Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. T nhập viện trong tình trạng kích thích, vật vã. Kết quả chụp MSCT phát hiện khối dị dạng động tĩnh mạch vùng vận động gây liệt nửa người. Bệnh nhân được chẩn đoán máu tụ trong não do vỡ dị dạng mạch não và được chỉ định mổ cấp cứu: lấy máu tụ trong não, lấy khối dị dạng mạch.
Trường hợp chị P.T.T. (25 tuổi, ở Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cách đây mấy tháng, bị đau đầu không rõ nguyên nhân, đã uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Bệnh nhân vào BV E trong tình trạng đau đầu đột ngột, lơ mơ, nôn nhiều, sau đó ý thức chậm dần, rơi vào tiền hôn mê.
Chị T. được chụp CT sọ não thì thấy có hình ảnh xuất huyết não hố sau; chụp dựng hình mạch não thì thấy hình xuất huyết vùng cầu não lệch phải kích thước 25x14 mm, chảy máu vào não thất và các bể quanh cầu não do dị dạng mạch vùng cầu não, sau tiêm thuốc cản quang có hình 2 tĩnh mạch dẫn lưu giãn to... Các bác sĩ kết luận, bệnh nhân bị dị dạng AVM vùng cầu não có chảy máu não thất.
Bác sĩ Bùi Long – Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô cho biết dị dạng mạch máu não là loại dị dạng mạch máu bẩm sinh nguy hiểm nhất, do sự hình thành của một đám rối mạch máu bất thường trong não từ thời kỳ bào thai, nối thông động mạch và tĩnh mạch não, không cấp máu cho nhu mô não, khi vỡ gây đột quỵ chảy máu não.
Dị dạng thông động tĩnh mạch não (AVM-Arteriovenous Malformation) phát triển theo thời gian, tồn tại không triệu chứng trong nhiều năm và được phát hiện chủ yếu ở độ tuổi 10-40 tuổi. Một số trường hợp khi bị chảy máu não mới phát hiện ra. Một số trường hợp đau đầu, động kinh bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ não. Ngoài ra, nhiều trường hợp cũng tình cờ phát hiện khi đi khám khi có biểu hiện đau đầu, co giật cục bộ nhẹ.
Khi dị dạng mạch máu não chưa vỡ, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu mạn tính, điều trị nội khoa không khỏi, có những cơn co giật kiểu động kinh..
Khi bị vỡ sẽ gây chảy máu não, thường chảy máu trong nhu mô não, có thể chảy máu não thất hoặc kết hợp, rất hiếm khi chảy máu dưới nhện.
Việc phát hiện bệnh dị dạng mạch máu não sớm, kịp thời điều trị sẽ nâng cao hiệu quả trong quá trình điều trị. Nếu không, dù được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân cũng sẽ phải sống chung với những biến chứng đáng tiếc như động kinh, liệt…
Bác sĩ Long cho biết dị dạng thông động tĩnh mạch não là nguyên nhân gây xuất huyết não không phải do chấn thương ở những người trẻ (< 35), và là nguyên nhân phổ biến gây ra tổn thương thần kinh thậm chí tử vong ở những người <20 tuổi. Phần lớn những thương tổn được phát hiện khoảng tuổi 40 và 75% có biểu hiện xuất huyết trước 50 tuổi.
Khi phát hiện dị dạng mạch máu não, theo bác sĩ Long có 2 phương pháp điều trị chính là phẫu thuật và can thiệp nút mạch, ngăn chặn máu lưu thông qua mạch dị dạng, giảm tối nguy cơ vỡ.