Trao thêm quyền cho các trường đại học tự chủ
Trường ĐH Kinh tế quốc dân. |
Theo đó, 3 trường ĐH này sẽ được mở rộng quyền tự chủ trên 4 lĩnh vực là quản lý tài chính, tài sản và sử dụng tài sản công; phân bổ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ; giấy phép cho lao động nước ngoài; và kéo dài tuổi hưu của chủ tịch hội đồng trường.
Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị Chính phủ cho phép 3 trường ĐH tự xác nhận cho lao động nước ngoài vào giảng dạy, nghiên cứu tại trường. Các giảng viên này không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động theo quy định Bộ luật lao động.
Nội dung dự thảo nghị quyết đề cập tới vấn đề kéo dài tuổi hưu cho chủ tịch hội đồng nhà trường. Theo quan điểm của Bộ Tư pháp, Chính phủ quy định các đối tượng là người lao động được phép nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là phù hợp về mặt thẩm quyền và cần xác định rõ nguyên tắc thực hiện, điều kiện, thời gian công tác khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn.
Cụ thể, chủ tịch hội đồng trường được thí điểm áp dụng tuổi nghỉ hưu cao hơn thuộc trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 3, điều 187 Bộ luật lao động để khuyến khích người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín, có kinh nghiệm quản lý giáo dục ĐH.
Được biết hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện quyền sở hữu của nhà trường, là nơi ra quyết nghị các nội dung tự chủ mà nghị định này quy định.
Trong trường ĐH tự chủ, Hội đồng trường có rất nhiều quyền hạn. Cụ thể, tổ chức này quyết nghị chủ trương về thu, chi tài chính, mua sắm tài sản, thiết bị, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực cần thiết để phát triển hoạt động nhà trường. Căn cứ điều kiện thực tế của đơn vị, Hội đồng trường giao cho hiệu trưởng được quyền quyết định một số nội dung cụ thể.
Các trường cũng được quyết định thành lập các đơn vị liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gắn với đào tạo, theo nguyên tắc bảo toàn vốn, tài sản nhà nước, bù đắp chi phí và có tích lũy.
Thực tế thời gian qua, Hội đồng trường trong các trường công lập chưa phát huy được vai trò đúng nghĩa, quyền lực vẫn tập trung vào Hiệu trưởng.
Một Hội đồng trường sẽ chỉ mạnh và phát huy tác dụng tốt nhất khi không bị ràng buộc chỉ đạo của một cơ quan cấp trên, ở Hội đồng trường đó với cơ chế tập trung dân chủ mà thành viên sẽ đại diện đủ theo cơ cấu quy định, sẽ đưa ra những quyết sách, đường hướng chiến lược cho việc phát triển nhà trường. Khi đó, Hiệu trưởng với tư cách chỉ là một cá nhân vừa là thành viên, vừa là người có nhiệm vụ thi hành nghị quyết của Hội đồng trường.
Khi quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì trách nhiệm giải trình với xã hội càng cao, trong đó vai trò của Hội đồng trường là vô cùng quan trọng. Cần phải hiểu, trách nhiệm giải trình với xã hội giờ không còn là chỉ riêng của Hiệu trưởng mà là của cả một Hội đồng, mỗi quyết sách chiến lược, mỗi nghị quyết không phải chỉ là nghị quyết trên giấy mà phải đi vào thực tế.
Thực tế thời gian qua, vấn đề tự chủ tại các trường ĐH cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định: Các trường đại học đã chủ động mở ngành và phát triển chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội; phương pháp và nội dung giảng dạy tiếp cận chuẩn quốc tế.
Các trường tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn nữa trong các lĩnh vực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính nên đã chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường. Về tổ chức bộ máy, các trường chủ động hơn trong thành lập mới, sáp nhập, chia tách, giải thể, nâng cấp các đơn vị trong trường, nhà trường. Sự sắp xếp lại tổ chức đem lại những hiệu quả tích cực. Tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị từ thạc sĩ trở lên tăng, trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên, nhân viên) giảm xuống...
Cơ chế thí điểm tự chủ tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Cùng với việc tăng học phí, các trường đã thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đối với người học, thực hiện chính sách xã hội hóa đối với người học, có những thay đổi về chính sách học bổng và học phí đối với đối tượng chính sách.
Tuy nhiên, để việc tự chủ thành công, phải tự chủ không chỉ trong cơ quan nhà nước mà trong nội bộ trường đại học, từ những người lãnh đạo quản lý đến các thầy cô, người học... tạo ra môi trường học thuật khoa học, phát huy tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất của người học, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các trường.
Đi liền với tự chủ là nâng cao chất lượng, kiểm định chất lượng, trách nhiệm giải trình và hỗ trợ các trường tự chủ để đạt mục tiêu sau cùng là nâng cao chất lượng giáo dục.