Trào lưu vợ chồng ngủ riêng
Họ vẫn gọi điện thoại, vẫn nhắn tin, vẫn chat với nhau và mỗi tuần họ chỉ “gặp nhau” một hoặc hai lần. Họ là những người đang nhen nhóm trào lưu vợ chồng ngủ riêng.
|
Ảnh minh họa |
Nói đến chuyện hai vợ chồng sống riêng hai nhà, hay sống chung một nhà mà mỗi người một phòng độc lập, nhiều người cho rằng đó là chuyện “bên Tây”, chứ ở Việt Nam làm gì có. Nhưng cuộc sống vốn muôn màu, con người thông minh, luôn luôn tìm ra trăm phương ngàn kế để dịch chuyển cuộc sống của mình và trào lưu vợ chồng không cần ngày nào cũng “đầu gối má kề” đã và đang trở nên phổ biến và được coi là “bình thường”.
Họ là những người thuộc thế hệ trẻ, tuổi trên dưới 30. Họ có kinh tế, có hiểu biết, có cuộc sống độc lập, có nhiều niềm say mê, tôn trọng tự do cá nhân, không coi tình yêu và hôn nhân là “niềm hạnh phúc duy nhất” trên đời. Họ cũng không cho rằng, “vợ chồng tuy hai mà một”, mà duy trì quan điểm: “Vợ chồng vẫn là hai con người khác nhau và có gắn bó với nhau… một số thứ ”. Họ lựa chọn cách chung sống, “một trong bảy” một cách có ý thức, có chủ định chứ không phải: “Chia nhau để coi nhà” như một số người nghĩ.
Về vấn đề này, có những cách nhìn nhận khác nhau. Người thì bảo đó là dại dột, làm thế dễ mất gia đình như chơi. Đáng ngạc nhiên, quan điểm này lại là của những bạn trẻ, thường là chưa nếm trải cuộc sống hôn nhân, còn hăm hở với cuộc hôn nhân trong đó vợ chồng phải “ríu rít như đôi chim cu”. Nhưng cũng không ít người, đặc biệt là những người đứng tuổi, lại cho rằng “như thế lại khôn ngoan”. Có lẽ khi đã là những người trong cuộc, biết thế nào là cuộc sống vợ chồng, họ mới dám nói thế.
Bác sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng khoa Nhi - bệnh viện Việt Nam – Cuba cho biết: “Mới nghe thì thấy chuyện vợ chồng mà ngủ riêng, ở riêng thì hơi… lạ tai, nhưng ngẫm lâu thấy cũng hay. Nó phát huy tối đa tính độc lập, tự chủ của mỗi đôi vợ chồng. Thực tế cuộc sống hiện đại, hai vợ chồng có hai công việc, hai thế giới khác nhau, khó chia sẻ với nhau. Đôi khi sự chung sống làm vướng bận nhau. Có phải lúc nào vợ chồng cũng phải ở bên nhau mới là gia đình. Trước kia, chồng Nam vợ Bắc, chồng ở tỉnh nọ, vợ ở tỉnh kia, cả tháng hay vài tháng mới về thăm nhau một lần, mà tình cảm vợ chồng lại ấm áp hơn. Gặp nhau ít, họ dành thời gian cho “yêu nhau”, thành ra không đủ thời gian để “cãi nhau” hay giận dỗi.
Chị Bùi Bích Ngọc, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: Tôi thấy kiểu gia đình này cũng có mặt tích cực, có khi nó là “cứu cánh” cho một cuộc sống nhàm chán, nhạt nhẽo. Vợ chồng cô bạn tôi cũng có hoàn cảnh tương tự. Trước đây vợ chồng tuy không cãi nhau, nhưng cứ “đều đều”, ai cũng nghĩ rằng người nọ đã chán người kia. Vậy mà sau khi họ mua được căn hộ ở mới, anh chồng chuyển xuống đấy ở, vừa là trông nhà, vừa tiện cho công việc nghiên cứu của mình. Hai mẹ con cô ấy vẫn ở lại căn nhà cũ ở nội thành. Tự nhiên tình cảm vợ chồng khác hẳn. Có hôm đang đêm, anh chồng gọi điện hỏi vu vơ: “Em ngủ chưa?”, rồi dặn vợ “nhớ đóng cửa sổ, sắp mưa đấy”. Cô ấy kể, họ còn chat với nhau nữa. Thằng con thì léo nhéo gọi điện thoại cho bố hỏi: “ở chỗ bố có mưa không, ở đây mưa lắm”, “Thứ bảy này bố về đi họp phụ huynh cho con, mẹ bảo thế”. Hay ra phết!
Tuy nhiên, ở đời không có cái gì mà chỉ có “được”, không có “mất”, trào lưu ngủ riêng, ở riêng cũng vậy. Chị Nguyễn Hồng Vân, cán bộ Thư viện Quốc gia cảnh báo: “Sống chung, ngủ chung với nhau, con Người được kiểm soát mọi hành vi, việc làm, nên cũng giống như chiếc xe có phanh. Khi đã mỗi người một vương quốc, có được sự tự do tối đa, song cũng khiến người ta “mất phanh”, không làm chủ bản thân, dẫn đến nhiều việc làm bất trắc như ngoại tình, rượu chè, cờ bạc. Cùng chung quan điểm chưa đồng tình, chị Phan Diệu Hường, khu tập thể Bộ Nông Nghiệp, phường Quốc Tử Giám, Hà Nội cảm thấy trào lưu ngủ riêng, ở riêng của các cặp vợ chồng chưa phù hợp với văn hóa Việt Nam. Lấy nhau mà “hồn ai người ấy giữ”, thỉnh thoảng mới gặp nhau, khác gì “cặp bồ”. Chị Hường cũng cho biết, chị sợ đây là kiểu “ly thân kiểu mới, khi các đôi vợ chồng đã chán nhau nhưng không muốn bỏ nhau, đành lựa chọn kiểu “ngủ riêng”, ở riêng. Gia đình như vậy lỏng lẻo, dễ tan vỡ.
Không có một mô hình gia đình nào chỉ có những “tích cực” hoặc chỉ có những điểm “tiêu cực”. Nhiều mô hình gia đình mới, nảy sinh để phù hợp với sự biến đổi không ngừng của xã hội. Trào lưu ngủ riêng, ở riêng vẫn đang được không ít đôi vợ chồng chọn lựa. Nhưng trước khi lựa chọn cách tổ chức gia đình như thế nào, mỗi người cần cân nhắc cái được, cái mất. Tuy nhiên, phản đối kịch liệt, hay cổ vũ tích cực cho xu hướng này là không nên. Cái gì hợp lý sẽ tồn tại bền vững qua sự thử thách của đời sống hàng ngày.
Duy Bình/báo Phụ nữ thủ đô