Tranh chấp bản quyền truyện tranh: Tác giả chịu thiệt đầu tiên
Chờ được vạ thì má đã sưng
Vừa qua, giữa đơn vị phát hành sách Skybooks, trực tiếp là tác giả Bùi Đình Thăng (Thăng Fly), với chương trình VTV Quà tặng cuộc sống đã xảy ra tranh chấp bản quyền tác phẩm Ba Tôi (theo lời Thăng Fly thì ekip Chương trình Quà tặng cuộc sống của VTV phát sóng đoạn phim "Ba tôi" có nhiều hình ảnh, lời thoại và ý tưởng giống hệt tác phẩm "Cả nhà thương nhau" của mình). Hiện việc tranh chấp vẫn chưa ngã ngũ.
Một số hình ảnh trong phim "Ba tôi" phát trong Chương trình Quà tặng cuộc sống của VTV bị họa sĩ Thăng Fly cho rằng giống với ý tưởng truyện tranh "Cả nhà thương nhau". |
Sự việc này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các tác giả truyện tranh về việc cần phải quan tâm đúng mức hơn đến vấn đề đăng ký bản quyền.
Họa sĩ Thăng Fly cho biết mình đeo đuổi vụ việc không vì lý do tài chính mà muốn tìm lại niềm tin cho nhiều họa sĩ truyện tranh trong nghề vì họ bị ăn cắp bản quyền quá nhiều. Phía đơn vị phát hành sách Skybooks và tác giả Thăng Fly cũng đã liên hệ với luật sư và Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả của Hội Nhà văn để ủy quyền cho đơn vị này giải quyết vụ việc này, đồng thời nhờ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý.
Song vấn đề đáng lưu ý ở đây là Thăng Fly cho biết mình có đầy đủ bằng chứng để chứng minh đây là tác phẩm của mình, tuy nhiên, tác phẩm này chưa được đăng ký sở hữu trí tuệ.
Ông bà ta vẫn có câu "chờ được vạ thì má đã sưng". Trong vụ tranh chấp bản quyền của Thăng Fly và ekip Chương trình Quà tặng cuộc sống, tác giả Thăng Fly đã phải chịu thiệt rất nhiều, khi các hợp đồng bị hủy vì chậm tiến độ sáng tác gây thiệt hại về kinh tế, đồng thời còn gây ảnh hưởng về tinh thần, khiến họa sĩ khó tập trung cho tư duy sáng tạo để sáng tác.
Có thể thấy, qua vụ việc này, dù tác giả Thăng Fly này có nhiều bằng chứng để chứng minh Ba tôi là tác phẩm của mình, nhưng khi xảy ra tranh chấp, do chưa đăng ký bản quyền cho tác phẩm mình làm ra, thì người thiệt đầu tiên vẫn chính là tác giả.
Đây cũng là bài học cho những ai đã và đang không có thói quen đăng ký bản quyền.
Xâm phạm bản quyền: Chuyện phổ biến
Theo số liệu của Cục Bản quyền, 6 tháng đầu năm 2015, trong số 2.440 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được cấp, có 630 giấy chứng nhận cấp cho loại hình tác phẩm viết, chiếm 25,96% (bao gồm loại hình truyện tranh). Ông Hồ Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền cho biết hiện nay, số họa sĩ truyện tranh đăng ký bản quyền tại đơn vị này rất ít.
Họa sĩ truyện tranh Thanh Phong, tác giả của những truyện tranh đình đám như Truyện Long Thần tướng, Sát thủ đầu mưng mủ… cũng cho biết: Các truyện của anh đều được đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Tuy nhiên, truyện của anh vẫn bị xâm phạm bản quyền, một số trang mạng dùng hình ảnh của anh mà không xin phép. Trong trường hợp này, cá nhân anh phải gửi thông tin lên đối tượng xâm phạm bản quyền, các diễn đàn để yêu cầu gỡ hình ảnh.
"Đó là việc vi phạm bản quyền ở mức độ nhẹ, cá nhân họa sĩ có thể giải quyết được. Nhưng khi sự việc đến căng thẳng thì sẽ khó khăn cho việc đòi lại quyền lợi cho mình. Thế nên, các tác giả nên đăng ký bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm khi sáng tác và xuất bản. Điều đó sẽ khiến tác giả yên tâm hơn về tác phẩm của mình, và có bằng chứng pháp lý khi có tranh chấp xảy ra”, họa sĩ Thanh Phong khuyến cáo.