Tranh cãi về tác hại của Phenol: Giới khoa học nước ngoài nói gì?
Những ngày qua, câu chuyện “Phát hiện 30 tấn cá nục ở Quảng Trị nhiễm chất Phenol cực độc” đã gây tranh cãi khá nhiều trong dư luận. Thậm chí, đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị cũng có quan điểm rất trái ngược nhau về vấn đề này.
Ông Hồ Sĩ Biên - Chi cục trưởng chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Trị tuyên bố: "Đây là chất cực độc, có chất đưa vào ngưỡng, có chất không. Phenol đã cấm dùng rồi thì ngưỡng gì. Nói về quy chuẩn thì trong nước biển 0,03mg/lít, còn trong bao bì không được phép, bao bì không được phép thì thực phẩm làm sao được phép được".
Trả lời báo chí chiều ngày 13/6, ông Nguyễn Hùng Long – Cục phó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, với hàm lượng 0,037 mg/kg phenol có trong cá nục ở Quảng Trị, giả sử một người Việt bình thường có trọng lượng cơ thể là 50kg và ăn 200 gam cá nục này mỗi ngày thì cũng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ tính chính xác trong phát ngôn của ông Nguyễn Hùng Long. Vậy giới chuyên gia về thực phẩm và y tế của nước ngoài có quan điểm thế nào về Phenol và mức độ độc hại của nó đối với sức khỏe con người?
Phóng viên Infonet đã tìm hiểu và thu thập được một số tài liệu chuyên ngành về vấn đề này.
Việt Nam có quy định nào về giới hạn lượng Phenol trong thực phẩm không?
Câu trả lời là không. Thậm chí, ông Cục phó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng khẳng định, hiện nay theo tất cả các tài liệu của Codex (Việt Nam), EU, Hoa Kỳ hay Nhật Bản chưa có một cơ quan tổ chức nào quy định mức giới hạn Phenol trong hải sản.
Liên quan đến các quy định về Phenol ở Việt Nam, phóng viên Infonet đã tìm hiểu và được biết, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã ban hành Quy chuẩn về chất lượng nước biển trong đó có đặt ra giới hạn cho phép của Phenol trong nước biển là 0,03mg/lít.
Ngày 19/12/2007, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT trong đó “Quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm”. Ở mục 4.3 của Quyết định này, Bộ Y tế đã quy định giới hạn tối đa thôi nhiễm (Phenol) từ hợp kim chế tạo đồ hộp và đặt ra giới hạn cho phép là “không quá 5mg/kg”.
Phenol trong các quy định của Mỹ
Có thể nói, Mỹ là quốc gia có quy định khá chi tiết và cụ thể về vấn đề Phenol. Theo các tài liệu chuyên ngành của Mỹ chúng tôi tìm hiểu được, Phenol là một hợp chất hữu cơ, hiện diện trong tự nhiên hay được chế tạo (nhân tạo). Phenol ở thể lỏng được dùng trong thương mại, phần lớn dùng để sản xuất nhựa có chất phenol và chế tạo nylon hoặc sợi tổng hợp. Phenol cũng được dùng để giết vi khuẩn hoặc mốc meo, tẩy uế hay khử trùng, và làm thuốc súc miệng hoặc kẹo thông cổ (sore throat lozenges) (Tham khảo thêm ở đây). Phenol không tích lũy trong cá, các thú vật khác hay cây cối. Phenol không tích lũy trong cơ thể con người và được loại trừ một cách nhanh chóng qua đường tiểu dưới dạng sulfate và glucuronide. Phenol hiện diện trong nước tiểu của người không tiếp xúc với phenol hay benzene ở nồng độ thấp hơn 10 mg/lít.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (U.S. Environmental Protection Agency – USEPA) không ấn định mức cho phép (maximun contaminant level - MCL) cho Phenol, nhưng đưa ra liều lượng tham khảo (reference dose - RfD) là 0,6 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày. Liều lượng tham khảo là số lượng ước tính mà một người có thể tiếp nhận mỗi ngày qua đường tiêu hóa mà không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trong suốt cuộc đời (tham khảo thêm ở đây).
Về thực phẩm, Cơ quan quản lý các chất độc hại và bệnh dịch (thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ) quy định Mức Rủi ro Tối thiểu (MRL) cho việc tiêu thụ thực phẩm có chứa Phenol trong ngắn hạn ( dưới 14 ngày) là 1 mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày. MRL cho việc tiêu thụ thực phẩm trung hạn và dài hạn không được ấn định. Như vậy, ví dụ nếu một người có trọng lượng cơ thể 50kg, thì người đó có thể tiếp thu thực phẩm có chứa 50 mg phenol trong một ngày mà không gặp rủi ro nào cho sức khỏe (Tham khảo thêm tại đây).
Phenol trong quy định của châu Âu
Từ năm 1984, Ủy ban Khoa học Thực phẩm của châu Âu (SCF) đã ra quy định về ngưỡng tối đa được phép hấp thụ hàng ngày mà không gây hại (Tolerable daily intake – TDI) là 1,5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày.
Tuy nhiên, căn cứ dựa trên các nghiên cứu khoa học mới nhất về Phenol và về An toàn thực phẩm, tháng 5/2013, Ủy ban An toàn Thực phẩm châu Âu (European Food Safety Authority – EFSA) đã điều chỉnh ngưỡng TDI đối với Phenol xuống mức 0,5mg/kg trọng lượng cơ thể/ngày.
Đối chiếu với quy định mới nhất này, một người với trọng lượng cơ thể 50kg có thể hấp thu lượng Phenol nhỏ hơn hoặc bằng 25mg/ngày mà không gây tổn hại nào về sức khỏe.
Phenol có phải tác nhân gây ung thư không?
Trong phần trả lời báo chí chiều ngày 13/6, ông Nguyễn Hùng Long – Cục phó Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Về ảnh hưởng của Phenol đối với sức khỏe, theo các nghiên cứu hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy phenol gây ra ung thư. Viện nghiên cứu ung thư quốc tế, Cơ quan Quản lý môi trường Mỹ không xếp Phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư ở người”.
Kết luận
Giới khoa học đã khẳng định, Phenol được xem là một chất khá độc đối với con người qua đường tiêu hóa. Tuy nhiên, cũng giống như các loại hóa chất khác, đặc tính “độc” hay “có hại cho sức khỏe con người” của Phenol vẫn phụ thuộc vào hàm lượng (chứa trong thực phẩm) và liều lượng (mức độ hấp thu). Để tạo sự an tâm cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho ngư dân và đặc biệt là không gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, điều cần thiết và cấp bách nhất lúc này là Việt Nam cần có những nghiên cứu cụ thể và ban hành những quy định về giới hạn được phép của Phenol trong thực phẩm, phù hợp với các đặc tính của loại hóa chất này và các quy định tương tự của quốc tế.
Việc có một quy định rõ ràng về giới hạn Phenol hay các loại hóa chất khác cũng là căn cứ để các cơ quan quản lý nhà nước tránh được những lần ra quyết định cảm tính và vô trách nhiệm, vô tình đẩy người ngư dân vào bước đường cùng.