Trăn trở việc học sinh lớp 10 được tự do chọn 4 trong 9 môn học không bắt buộc
Theo thầy Nguyễn Công Sở, đổi mới chương trình phổ thông thì ngay từ giờ học sinh lớp 10 đã phải chọn môn học phục vụ cho cả định hướng nghề nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có phương án thi và tuyển sinh năm 2025 thế nào.
Một trong những điểm đáng chú ý là chương trình lớp 10, trước đây theo quy định, học sinh học 7 môn và hoạt động bắt buộc. 5 môn học khác sẽ được lựa chọn từ ba nhóm (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Nhóm môn Khoa học Xã hội (KHXH) gồm Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); Khoa học Tự nhiên (KHTN) gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học; Công nghệ và Nghệ thuật (CN&NT) gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật.
Hiện giờ, khi môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, học sinh được chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn bất kỳ và không có sự ràng buộc nào giữa các nhóm môn, tức là học sinh thích chọn môn nào cũng được.
Trao đổi với PV Infonet, thầy Nguyễn Công Sở - Trường THPT Lê Văn Thiêm (quận Long Biên, TP Hà Nội) cho rằng từ khi xây dựng chương trình GDPT 2018 đến bây giờ, khi điều chỉnh đã cho thấy sự lúng túng nhất định của chương trình này. Tuy nhiên, việc điều chỉnh ở thời điểm này cũng có chiều hướng tốt hơn.
“Trước đây theo quy định, học sinh học 7 môn và hoạt động bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương.
5 môn học khác sẽ được lựa chọn từ ba nhóm (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Nhóm môn Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); Khoa học Tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Tức là học sinh muốn học thiên hướng khối A: Lý, Hóa, Sinh nhưng vẫn phải chọn 1 môn ở nhóm Khoa học xã hội và 1 môn ở nhóm Công nghệ và nghệ thuật.
Hiện giờ học sinh được chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn bất kỳ tạo lợi thế cho học sinh.
Bởi lẽ, thí sinh muốn theo đuổi các môn học theo xu hướng Khoa học tự nhiên để xét đại học sẽ chọn Lý, Hóa, Sinh luôn để đáp ứng đầu ra của học sinh”, thầy Sở nói.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, theo thầy Sở thì vẫn còn những bất cập nhất định: “Với trường công hiện nay, Ban giám hiệu phải tìm cách dàn trải để “tìm” việc cho giáo viên các môn học không được nhiều học sinh lựa chọn.
Đơn giản như ở Hà Nội, xu hướng chọn khối KHTN sẽ nhiều hơn nên giáo viên các môn KHXH, môn Tin, công nghệ bất lợi... vì không có nhiều học sinh lựa chọn. Hay, nếu giải quyết việc làm cho giáo viên công nghệ thì học sinh học môn Tin học sẽ không được học nữa, đó là vấn đề khá bất cập, khó đáp ứng được mục tiêu giáo dục toàn diện mà chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đề ra nhằm hình thành các các năng lực phẩm chất người học (5 phẩm chất, 10 năng lực).
Một vấn đề thiếu thực tiễn khó có tính khả thi trong xây dựng chương trình phổ thông mới nữa là việc đưa các môn nghệ thuật vào khi giáo viên THPT không có sẵn, học sinh lại không có cơ hội chọn thêm môn nghệ thuật (khi các môn học lựa chọn còn lại chỉ chọn có 4 môn) nên hiển nhiên nhiều trường gần như “khai tử” môn này.
Thầy Sở nêu quan điểm, ''đổi mới chương trình phổ thông là vì học sinh, lấy học sinh là trung tâm'', nhưng thực tế chưa hẳn như vậy khi các trường tự xây dựng “menu” cho phù hợp với tình hình đội ngũ giáo viên trước, chọn nhóm môn và học sinh buộc phải lựa chọn chứ không phải học sinh được tự chọn”.
Mặt khác, thầy Sở phân tích, đổi mới chương trình phổ thông ngay từ giờ học sinh lớp 10 đã phải chọn môn học phục vụ cho cả định hướng nghề nghiệp sau này. Ví như lớp 10 chọn các môn học theo xu hướng KHXH, nhưng sau này lại muốn sang khối có xu hướng KHTN thì không còn cơ hội sửa sai nữa vì đã chọn môn từ lớp 10 rồi.
Trong khi hiện nay việc các trường đại học xét tuyển thế nào trong năm 2025 (lứa học sinh lớp 10 năm nay) thì chưa có quy chuẩn.
"Tôi đề nghị Bộ GD&ĐT cũng như các trường đại học phải có phương án về tuyển sinh 2025 cho lứa lớp 10 năm nay vì hiện nay đang giải quyết việc học trong khi thi thế nào thì chưa nói rõ'', thầy Nguyễn Công Sở kiến nghị.
''Thực tế thì việc xét tuyển bằng học bạ chưa tạo được niềm tin nên nhiều trường đại học tổ chức thi đánh giá năng lực riêng, đòi hỏi kiến thức toàn diện, trong khi bậc phổ thông cắt giảm nhiều nội dung không thể toàn diện cũng là những điều đáng lo ngại...'', thầy Sở nói thêm.
Hoàng Thanh