Trần Minh Lợi một mực chối tội "đưa hối lộ", đưa tiền là để ...làm bằng chứng
Liên quan đến vụ án còn có nguyên Trung úy công an huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông); nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Đại Lộc (ngân hàng Agribank Đắk Lắk) cùng 5 bị cáo khác bị tòa án đưa ra truy tố trước vành móng ngựa.
Lĩnh án vì “chi tiền trà nước”
Trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Phúc, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Đại Lộc (Ngân hàng Agribank chi nhánh Đắk Lắk) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”; bị cáo Trần Minh Lợi (SN 1968, ngụ tỉnh Đắk Lắk) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.
Bị cáo Lợi (áo vàng) cùng 7 bị cáo khác tại phiên tòa. |
Tại phiên tòa, HĐXX đã xét hỏi bị cáo Nguyễn Văn Phúc, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Đại Lộc (Ngân hàng Agribank chi nhánh Đắk Lắk), bị cáo Trần Minh Lợi và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và ông Nguyễn Đức Trọng để làm rõ hành vi nhận và đưa hối lộ của bị cáo Phúc và bị cáo Lợi.
Theo cáo trạng, vào tháng 4/2014, Lợi thế chấp sổ đỏ thửa đất 4151 để vay vốn tại Phòng giao dịch Đại Lộc (Ngân hàng Agribank chi nhánh Đắk Lắk).
Sau khi được Lợi hứa hẹn bồi dưỡng, Nguyễn Văn Phúc (Giám đốc Phòng Giao dịch Đại Lộc) và Nguyễn Đức Trọng (tổ trưởng Tổ Tín dụng) đã đồng ý cho Lợi vay 1,8 tỉ đồng với điều kiện, ngoài thế chấp sổ đỏ nói trên còn phải thế chấp thêm sổ đỏ của thửa đất 4380.
Do Lợi chưa thế chấp sổ đỏ thửa đất 4380 nên chỉ được giải ngân 1,5 tỉ đồng và Lợi đưa cho Phúc 30 triệu đồng, Trọng 20 triệu đồng. Trong quá trình đưa tiền bồi dưỡng, Lợi đã ghi âm lại rồi báo cho Phúc và Trọng biết.
Lo sợ bị lộ ra ngoài, Phúc và Trọng thống nhất giải ngân đợt 2, cho Lợi vay số tiền 300 triệu đồng mặc dù bị cáo Lợi chưa thế chấp sổ đỏ thửa đất 4380. Để hợp thức hóa thủ tục, ngày 12/6/2014, Lợi ký lại hợp đồng thế chấp chỉ mỗi sổ đỏ thửa đất 4151 vay 1,8 tỉ đồng. Sau khi nhận đủ số tiền, Lợi nhắn tin đòi lại số tiền bồi dưỡng và Phúc đã trả lại 30 triệu đồng, Trọng trả lại 20 triệu đồng.
Ngày 10/7/2014, Lợi làm đơn phản ánh gửi Ngân hàng Agribank chi nhánh Đắk Lắk về việc Phúc nhận của Lợi 30 triệu đồng. Sau đó 2 ngày, Lợi làm văn bản đề nghị ngân hàng không xem xét đơn của mình.
Đến tháng 11/2014, Phúc và Trọng làm đơn tố cáo Lợi về hành vi cưỡng đoạt tài sản số tiền 200 triệu đồng. Trọng cung cấp cho cơ quan điều tra 1 giấy ghi Lợi vay của Trọng 80 triệu đồng và một số file ghi âm làm bằng chứng. Tuy nhiên quá trình điều tra không đủ căn cứ chứng minh Lợi cưỡng đoạt tài sản nên Cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk không khởi tố vụ án.
Sau đó, Lợi đã làm đơn tố cáo Phúc và Trọng về các hành vi nhũng nhiễu, chèn ép khách hàng, vị phạm hợp đồng tín dụng.
Trước vành móng ngựa, bị cáo Lợi khai rằng, trước đây do cần vốn làm ăn nên bị cáo thế chấp sổ đỏ, vay của ngân hàng Sacombank (chi nhánh Đắk Lắk) hơn 1,3 tỉ nhưng đã trả dần. Khi nhận thấy vay vốn bên ngân hàng Agribank lãi suất thấp hơn, bị cáo đã làm hồ sơ và gặp một người trung gian tên Tuyết để nhờ liên hệ vay vốn.
Thông qua bà Tuyết, bị cáo mới biết đến Trọng, tổ trưởng Tổ tín dụng của ngân hàng Agribank chi nhánh Đắk Lắk. Trong quá trình liên hệ vay vốn, bà Tuyết có gợi ý cho Trọng rằng, muốn vay vốn nhanh gọn thì phải chung chi tiền “trà nước”.
Cũng theo lời khai của bị cáo Lợi tại tòa, nghĩ cán bộ ngân hàng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, có tình gây khó dễ cho khách hàng trong quá trình giao dịch nên mới nghĩ ra cách đưa tiền “trà nước” rồi ghi âm lại để làm bằng chứng tố cáo Trọng và Phúc.
Bị cáo Lợi cho rằng, việc mình bị truy tố về tội danh “Đưa hối lộ” là không đúng. “Để có bằng chứng tố cáo, bị cáo phải chọn cách đưa tiền cho Phúc và Trọng rồi ghi âm lại. Bị cáo không nghĩ mình lại bị khép vào tội đưa hối lộ”, bị cáo Lợi trình bày.
Trả lời HĐXX về hành vi của mình, bị cáo Phúc thừa nhận đã nhận 30 triệu từ bị cáo Lợi nhưng đã báo cáo lãnh đạo của mình. Người liên quan đến vụ án, ông Nguyễn Đức Trọng cũng cho biết, mình đã nhận 20 triệu của bị cáo Lợi. Theo lời khai của ông Trọng, tại ngân hàng thỉnh thoảng vẫn có chuyện khách hàng “cảm ơn”, lúc nhiều lúc ít. Bởi vậy, tại thời điểm đó, Trọng nghĩ ông Lợi đem tiền tới “cảm ơn” nên nhận.
Một luật sư bào chữa cho bị cáo Lợi hỏi rằng: “Tại sao cùng nhận tiền của ông Lợi như bị cáo Phúc nhưng ông lại không bị khởi tố?”, ông Trọng cười, lắc đầu bảo không biết.
Mang họa vì bài bạc
Liên quan đến tội “Đưa hối lộ” của bị cáo Lợi, tại phiên tòa, HĐXX còn đưa bị cáo Lãnh Thanh Bình (nguyên Trung úy, từng công tác tại công an huyện Đắk Mil) ra xét xử về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi”. Các bị cáo Nguyễn Xuân An, Nguyễn Thị Tý, Trương Thị Lan, Huỳnh Kim Cao Trí, Huỳnh Thị Cao Thương cùng bị xét xử về tội “Đưa hối lộ”.
Rất đông người dân đến theo dõi diễn biến phiên tòa |
Theo cáo trạng, ngày 15/1/2016, Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã bắt quả tang Hồ Đức Băng, Võ Ngọc Hà, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Ngọc Quý, Lương Văn Thanh và Nguyễn Ngọc Hậu đang đánh bạc với hình thức xóc đĩa trên địa bàn, tang vật thu được hơn 4 triệu đồng. Tham gia bắt quả tang có Trung úy Lãnh Thanh Bình (lúc đó đang công tác tại công an huyện Đắk Mil).
Trong chiều 15/1, Công an huyện Đắk Mil ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 06 đối tượng trên để phục vụ công tác điều tra. Biết tin, Huỳnh Thị Cao Thương (vợ Hà), Nguyễn Thị Tý (mẹ Hậu), Trương Thị Lan (vợ Băng) gặp Huỳnh Kim Cao Trí (anh trai Thương) bàn cách xin tại ngoại cho người thân.
Do quen biết từ trước, Trí gọi điện cho Lãnh Thanh Bình (Công an huyện Đắk Mil) thì Bình cho biết mình có tham gia bắt vụ đánh bạc, sau đó giao lại cho đội điều tra, không có thẩm quyền giải quyết nhưng hướng dẫn viết đơn xin tại ngoại.
Sau đó, Lan nhờ Nguyễn Xuân An (em con dì của Băng) làm đơn xin bảo lãnh cho Băng, đồng thời cho biết, muốn bảo lãnh thì phải đưa 20 triệu đồng. An đã gọi điện cho Lãnh Thanh Bình (bạn học cấp 3) để hỏi và được trả lời liên hệ với người nhà của những bị cáo khác mà làm.
Thông qua mạng xã hội facebook, An biết ông Trần Minh Lợi (SN 1968, ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) nên nói với ông Lợi về việc muốn tại ngoại phải đưa 20 triệu đồng/người.
Được sự hướng dẫn của ông Lợi, ngày 21/1/2016, An, Trí, Tý đã gặp Lãnh Thanh Bình ở quán cà phê và đưa cho Bình tổng cộng 60 triệu đồng. Sau khi có các đoạn ghi âm, ghi hình, ông Lợi không tố cáo ngay mà dùng các tài liệu này đe dọa, khống chế Bình tác động cho Băng, Hà, Hậu tại ngoại và trả lại tiền.
Trong quá trình làm việc với CQĐT, Lãnh Thanh Bình khai rằng, Lợi đã ép buộc mình phải đưa 500 triệu đồng nếu không đưa thì sẽ tố cáo. Sau đó, Bình đã đưa được 220 triệu đồng thì không còn khả năng nên đã báo cáo việc nhận tiền và tố cáo Lợi về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, quá trình điều tra không đủ chứng cứ chứng minh hành vi này của Lợi.
Theo HĐXX, dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong hai ngày từ 22-23/3/2017. Một số luật sư nhận định, vụ án có rất nhiều tình tiết mờ, khả năng phần tranh luận sẽ rất gay gắt. Bởi vậy, có thể phiên tòa sẽ kéo dài hơn so với dự kiến.