Trà thủy sâm bị thổi phồng tác dụng
Trà thủy sâm bị thổi phồng tác dụng
Cách làm trà thuỷ sâm khá đơn giản: Cho bã trà và nước trà lên men khoảng một tuần |
Theo quảng cáo trên một số trang web, trà thuỷ sâm là loại dung dịch trà đường lên men bởi một loại nấm mà người Pháp gọi là Champignon De Longue Vie. Nấm này còn có tên The Miracle Fungus, Pichia Fermenitanis, Kombucha, Cembuga Orientalia, Volga-Spring, Kwassan, Kargasok Tea… Trà thuỷ sâm chứa một lượng lớn chất đạm mà cơ thể con người có thể hấp thụ vào những tế bào nhỏ nhất một cách nhanh chóng. Nấm trà phản ứng và kích thích những siêu vi khuẩn phân hoá thành chất dinh dưỡng hữu ích cho con người và đào thải độc tố ra ngoài.
Gọi theo số điện thoại của người bán tên Yến, chúng tôi được chào giá mua trà thuỷ sâm thành phẩm 50.000 đồng/lít nước cốt hoặc tự mua con nấm giống về nuôi, dùng suốt đời, với giá 200.000 đồng/con, lên men 5 - 6 ngày là dùng được. “Chưa quen thì uống 60ml mỗi buổi sáng, lúc bụng đói. Sau đó tăng từ từ lên chừng 125ml mỗi ngày. Theo bà Yến, trà thuỷ sâm có thể chữa khỏi và phòng ngừa đến 30 căn bệnh khác nhau.
Chỉ là bã trà lên men!
BS Nguyễn Xuân Hướng, Thầy thuốc nhân dân, nguyên chủ tịch hội Đông y Việt Nam; cho biết thuỷ sâm thực ra là con giấm lên men từ bã trà. Nhờ quá trình lên men, nước trà ban đầu có vị chát sẽ trở thành chua. Đây là đồ uống có từ lâu, người dân không lạ gì.
Việc nuôi thuỷ sâm nếu không đảm bảo vệ sinh rất dễ bị nhiễm vi sinh. Dụng cụ chứa đựng nếu dùng kim loại rất nguy hiểm, vì axít trong trà thuỷ sâm có thể phản ứng với kim loại tạo ra độc chất.
“Với sản phẩm lên men, người dân phải cẩn trọng vì dễ ảnh hưởng đến tế bào gan, người có men gan cao hay có các triệu chứng về gan thì không nên dùng”, BS Hướng lưu ý.
Theo BS Hướng, trên mạng hiện có khá nhiều tài liệu về thuỷ sâm, song hầu hết là tài liệu dịch từ nước ngoài với những trích dẫn mơ hồ, khó kiểm chứng.
Ở Việt Nam đến nay chưa có đánh giá nào về thành phần cũng như tác dụng của thuỷ sâm đối với sức khoẻ con người. “Trước phong trào nuôi và uống thuỷ sâm đang ngày càng phổ biến, một số người đã quảng cáo thổi phồng tác dụng nhằm trục lợi. Cơ quan chức năng cần tiến hành nghiên cứu và tuyên truyền rộng rãi những thông tin chính thống về thành phần và tác dụng nếu có của loại nước uống này, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc cho sức khoẻ người dân”, BS Hướng kiến nghị.
Thận trọng khi sử dụng
ThS.BS Võ Thị Thu, giảng viên bộ môn đông y, học viện Y học cổ truyền Việt Nam cho biết, dân gian hễ nghe nói cái gì bổ thì gọi là sâm, trong khi thực tế có hàng chục thứ cây, lá, củ được gọi là sâm, nhưng chỉ vài loại là sâm thực sự, có tính bổ dưỡng.
Về bản chất, thuỷ sâm chỉ có thể hỗ trợ sức khoẻ, không phải là thuốc nên hoàn toàn không có tác dụng điều trị bệnh. “Vì là sản phẩm lên men nên có vị chua như giấm, có một số vitamin, chất axít... Với thành phần như thế thì thuỷ sâm không có quá nhiều công dụng như người ta rao bán. Công dụng dễ thấy nhất là giảm cân, vì bản chất của các loại chất chua đều có tác dụng này. Bên cạnh đó là giải khát. Còn những tác dụng chống ung thư, trị khỏi tiểu đường… là không đáng tin vì chưa có nghiên cứu khoa học chính thống nào ghi nhận”, BS Thu nhấn mạnh.
Cũng theo BS Thu, do lượng axít chứa trong thuỷ sâm khá cao (như giấm) nên tránh uống quá nhiều, chỉ nên uống một lượng nhỏ chừng 50 – 60ml và uống kèm nhiều nước.
Cũng do chứa nhiều axít nên nếu dùng thời gian dài có thể dẫn đến đau khớp, chóng mặt và viêm xoang. Không nên uống thuỷ sâm nhiều vào buổi sáng hay khi đói vì dễ gây viêm loét dạ dày.
Trẻ nhỏ dưới hai tuổi và phụ nữ có thai không nên dùng. Cũng không nên uống trong thời gian cho con bú vì có thể gây đau bụng cho trẻ sơ sinh. “Do phương pháp nuôi thuỷ sâm là dùng đường nên những người có vấn đề về đường huyết cần lưu ý. Phụ nữ bị rong kinh cũng phải thận trọng và nên ngưng sử dụng trước kinh kỳ tối thiểu một tuần”, BS Thu lưu ý.
Theo Sài Gòn Tiếp thị