Trà sữa, thức uống giới trẻ ưa chuộng trở thành gánh nặng của môi trường
Học sinh càng lớn, ý thức càng kém
Tại hội thảo tham vấn “Xác định các bên liên quan và rào cản chính sách trong giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam” do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) phối hợp tổ chức cùng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (VBCSD) ngày 20/09, ông Trần Văn Tiên, Phó TGĐ CTCP Môi trường và Đô thị Đà Nẵng (URENCO Đà Nẵng) nêu thực trạng về rác thải nhựa hiện nay, trong đó có thứ rác thải nhựa từ thói quen uống trà sữa của giới trẻ.
“Rác trà sữa toàn bộ là nhựa, từ ly đựng trà sữa đến ống hút và bao bì đựng trà sữa. Chúng tôi khuyến cáo phải làm sao để không cho các cửa hàng trà sữa sử dụng vật liệu này, và cần có một sản phẩm thay thế để giảm lượng rác thải từ trà sữa. Chúng tôi là những người trực tiếp thu gom rác hàng ngày nên mong muốn có sáng kiến cụ thể để thay thế,” ông Trần Văn Tiên bày tỏ bức xúc trước ý thức bảo vệ môi trường của các cửa hàng trà sữa và giới trẻ hiện nay.
Rác thải từ trà sữa và túi nilon nói chung không được tái chế nên 100% được xả ra môi trường. |
Theo ông Tiên, mỗi ngày URENCO Đà Nẵng thu gom hơn 100 tấn rác thải nhựa, chiếm khoảng 11% tổng lượng rác thải toàn thành phố. Dân số Đà Năng chỉ chưa đến 1 triệu người, nhưng có đến 1,7 triệu người xả rác mỗi ngày do đặc thù của một thành phố du lịch.
Nếu người dân dùng điện, nước nhưng không trả tiền sẽ bị cắt điện, nước, nhưng người dân không trả tiền thu gom rác thì công ty môi trường vẫn phải có trách nhiệm thu gom rác. Phó TGĐ URENCO Đà Nẵng cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là ý thức của người dân.
“Quy định hiện hành mức xử phạt xả rác không đúng quy định lên đến 7 triệu đồng, nhưng thử hỏi đã có ai bị xử phạt hay chưa?”, ông Tiên đặt câu hỏi. “Vấn đề tiếp theo là công tác tuyên truyền, đối tượng tuyên truyền. Trẻ em tiểu học có ý thức bảo vệ môi trường rất tốt nhưng cứ lên cấp 2 là không còn ý thức”.
Với lượng rác thải khổng lồ như hiện nay, cùng với quỹ đất cho việc chôn lấp rác ngày càng hạn hẹp, dự kiến đến năm 2022 thành phố Đà Nẵng sẽ phải xử lý rác thải hoàn toàn theo công nghệ đốt, khi đó người dân buộc phải chi trả cho việc này chứ ngân sách không chi trả.
Ông Trần Văn Tiên, Phó TGĐ URENCO Đà Nẵng. |
Cứ mỗi phút lại có một xe tải đầy rác thải nhựa đổ ra biển
Theo các chuyên gia, ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa và thách thức toàn cầu đối với môi trường, kinh tế và xã hội. Mỗi năm, 8 triệu tấn rác thải nhựa – tương đương một phút một xe tải đầy rác thải nhựa - đổ ra đại dương, đang gây ra những tác động tiêu cực đến chuỗi thức ăn, sức khỏe hệ sinh thái và sinh kế của cộng đồng ven biển.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa gây nguy hại đến môi trường, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và sự hợp tác của các bên liên quan trong vòng đời của sản phẩm nhựa.
Theo TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thông qua những cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như các hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa.
Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng đã đưa ra sáng kiến các nước G7 thúc đẩy hình thành cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa.
Một buổi nhặt rác tại bãi biển vịnh Hạ Long do IUCN tổ chức. |
Về mặt luật pháp, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Bảo vệ môi trường (2014) đề cập đến quản lý chất thải, rác thải hay kiểm soát ô nhiễm môi trường biển.
Đối với chất thải rắn, hiện nay Việt Nam có chính sách mang tính định hướng là “Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050” và “Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; có chính sách mang tính công cụ điều hành phục vụ thúc đẩy tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn đối với sản phẩm nhựa, tất nhiên bao gồm cả rác thải nhựa ở biển.
Tuy nhiên, có thể nói rằng hiệu quả triển khai chính sách chưa được như mong muốn. Cụ thể, đối với các chỉ tiêu của hoạt động tái chế, hiện nay chưa đạt được các chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chất thải rắn sinh hoạt hiện nay chủ yếu phát sinh từ các hộ gia đình, trung bình mỗi ngày một người dân Việt Nam xả ra môi trường 667gam chất thải rắn sinh hoạt.
Việc phân loại chất thải rắn tại nguồn tương đối tốt nhờ đội quân “đồng nát”. Tỷ lệ thu gom rác thải nhựa tại khu vực đô thị khoảng 85%, nhưng tại khu vực nông thôn chỉ khoảng 50-60%.
Tuy nhiên, việc xử lý và tái chế lại chưa được thực hiện tốt, đến nay vẫn còn tình trạng chôn lấp trực tiếp. Ông Tùng cho biết, 95% chất thải rắn hiện nay được chôn lấp tại hơn 500 bãi rác trong quy hoạch và hàng ngàn bãi rác quy mô nhỏ không hợp vệ sinh, chủ yếu là bãi rác hở.
“Xung đột vì bãi rác ngày càng tăng, người dân không chấp nhận ở địa phương mình có bãi rác mang rác từ các địa phương khác về địa phương mình vì gây ô nhiễm. Trong khi đó, thủ tục đầu tư còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng,” ông Hoàng Dương Tùng nói.
Một thực tế hiện nay ai cũng nhận ra, đó là người dân đã quá quen với việc sử dụng túi nilon trong sinh hoạt thường ngày. Các chợ dân sinh vẫn chủ yếu dùng loại túi nilon không phân hủy sinh học, chất lượng kém, lại dùng nhiều cho mục đích để đồ ăn nhiệt độ cao (súp, canh, bánh…), không những gây nguy hại cho môi trường mà còn nguy hại cho sức khỏe người dùng.
Việc cơ quan nhà nước chưa thu được thuế môi trường khiến sản phẩm giá rẻ được phát không ở các chợ dân sinh, gây ô nhiễm trắng ở trên đất liền, các con sông, dòng sông. Ngoài ra, tình trạng sử dụng ống hút nhựa tương đối nhiều tại các đô thị.
Để hạn chế ô nhiễm do chất thải rắn sinh hoạt, ông Tùng đưa ra đề xuất áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền thu gom và xử lý rác thải”, giảm dần trợ cấp của nhà nước; cải thiện hệ thống thu gom rác và quy hoạch bãi rác; áp dụng công nghệ mới trong xử lý rác;…
Đối với rác thải nhựa, ông Tùng đề xuất tiến tới cấm sử dụng túi nilon không phân hủy tại các chợ dân sinh, kiên quyết áp dụng thuế Bảo vệ môi trường đối với các loại túi này.