TP.HCM xin xây bệnh viện bằng trái phiếu Chính phủ
TP.HCM xin xây bệnh viện bằng trái phiếu Chính phủ
Theo đó, TP sẽ xây thêm 4 bệnh viện chuyên khoa, gồm: Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng và Viện Tim. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, hiện đã bố trí ngân sách 29 tỷ đồng để khởi công xây dựng Viện tim TP.
Bệnh viện quá tải, người nhà bệnh nhân phải ngủ ngoài hành lang - Ảnh Duy Nguyên |
Riêng các bệnh viện ở cửa ngỏ, TP.HCM đã ký BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao) với nhà đầu tư là Tổng Công ty Đền bù Giải toả - Thành viên của Công ty Cổ phần Đức Khải để xây dựng một bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mới ở khu Nam. Dự kiến tháng 10 năm nay sẽ khởi công và đến năm 2014 sẽ có bệnh viện mới với 500 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng thêm 500 giường.
Ngoài ra, hiện TP.HCM cũng đang tích cực làm các thủ tục cần thiết cho việc khởi công một bệnh viện Nhi đồng mới tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh với 1.000 giường. Riêng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại quận 9, giai đoạn 1 là 500 giường, sẽ hoàn tất các thủ tục đền bù, xây dựng trong năm nay để khởi công vào năm 2013.
Tổng vốn đầu tư cho các dự án này là 15.000 tỷ đồng. Ngoài phần ngân sách TP, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho TP vay thêm 5.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ.
Ông Huỳnh Thành Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, trái phiếu Chính phủ là hơn 45.000 tỷ đồng. Nhưng vốn đầu tư cho các dự án mới sắp tới đang chiếm hơn 45.000 tỷ đồng. Việc cấp nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án đang được xem xét rất kỹ lưỡng. Đưa ra con số 15.000 tỷ xây dựng các bệnh viện trong thời gian tới và đề xuất 5.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ, TP.HCM cũng phải xem xét thật kỹ, nếu không sẽ đẩy nợ công lên cao.
Tuy nhiên, ông Hứa Ngọc Thuận cho rằng, việc phân bổ trái phiếu Chính phủ đã xong, nhưng hiện nay, sau khi văn phòng Chính phủ kiểm tra lại thì số vốn chưa được sử dụng đến 1/3. Tức có phân bổ trên quyết định nhưng năng lực thực hiện để giải ngân thì không có.
Hơn nữa, TP.HCM xác định, xây bệnh viện không chỉ phục vụ cho người dân TP mà được Bộ Y tế giao làm tuyến trên của bệnh viện các tỉnh phía Nam, nghĩa là còn khám chữa bệnh cho người dân cả khu vực phía Nam. Do đó cần có sự tập trung của Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn cho TP thực hiện nhiệm vụ chăm lo tốt hơn việc điều trị bệnh của người dân.
Phần lớn bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Ung bướu đến từ các tỉnh thành lân cận - Ảnh Duy Nguyên |
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho rằng, từ 2008 – 2011, Nhà nước duyệt 46.000 tỷ đồng đầu tư cho các công trình y tế, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Nhưng Bộ Y tế chỉ bố trí vốn được 18.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 39% và chỉ giải ngân được 16.000 tỷ đồng. Như vậy, đề xuất của TP là hoàn toàn hợp lý trong tình trạng TP phải gánh nhiều người bệnh đến từ các tỉnh khác.
Trên thực tế, các bệnh viện tại TP.HCM đang phải điều trị cho từ 40 – 60% là các bệnh nhân từ các tỉnh thành khác. Trong thời gian qua, để giảm tải trước mắt, UBND TP đã điều chuyển bác sĩ của tuyến trên về cơ sở, thử nghiệm trong ba tháng cuối năm 2011.
Cụ thể, đưa trước 70 giường bệnh nhi về Bệnh viện quận Bình Tân, làm khối lượng người dân vào khám ở bệnh viện quận tăng lên. Bệnh viện quận 2 đang được khảo sát để xây dựng thêm 150 giường giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu. UBND TP cũng đã làm việc với Bệnh viện An Bình (quận 5), sắp xếp lại 100 giường để giảm tải trước mắt cho Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình...
Duy Nguyên