TP.HCM với chiến dịch đi từng gõ, gõ từng nhà để giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19
Theo các chuyên gia, tỷ lệ tử vong ở TP.HCM còn cao chắc chắn là do có nhiều người cao tuổi còn sót chưa được tiêm vắc xin.
Theo Sở Y tế TP.HCM, sau 15 ngày “đi từng ngõ, gỏ từng nhà, rà từng đối tượng”, Thành phố đã ghi nhận 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó, phát hiện 24.420 người chưa tiêm vắc xin, xét nghiệm tầm soát phát hiện 3.918 người đang bị nhiễm SARS-CoV-2 kịp thời điều trị.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Thành phố thực hiện các hoạt động trọng tâm của chiến dịch, bước đầu chiến dịch đã phát hiện ra những đối tượng cần được can thiệp ngay góp phần giảm nguy cơ tử vong.
Điều đáng ghi nhận đầu tiên sau 15 ngày triển khai chiến dịch, qua thực hiện xét nghiệm nhanh tầm soát đã phát hiện 3.918 người có kết quả (+) và kịp thời được điều trị ngay với thuốc kháng vi rút (Molnupiravir) và cách ly chăm sóc tại nhà (901 người) hoặc cách ly tập trung (255 người).
Các quận, huyện đang tiếp tục khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ theo kế hoạch và tiếp tục cho người F0 khi phát hiện ra uống ngay liều kháng vi rút như trên.
Ngoài ra, 15 ngày đầu chiến dịch còn phát hiện 24.420 người thuộc nhóm nguy cơ nhưng chưa tiêm vắc xin (chiếm tỷ lệ 4,2%), tất cả Trung tâm Y tế đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vắc xin ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ, trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà.
Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện phân công trách nhiệm người chuyên nhập dữ liệu danh sách người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn, đảm bảo chính xác và kịp tiến độ theo quy định.
Ảnh minh họa. |
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết tại TP.HCM hiện nay vấn đề đáng quan tâm là số ca tử vong còn cao. PGS Hùng cho rằng thành phố nên chú trọng quan tâm tuyên truyền cho người dân và khuyến cáo cần thiết cho F0 tự điều trị tại nhà, mặc dù vấn đề điều trị F0 tại nhà vốn quen thuộc tại thành phố này.
Nên lắng nghe F0 cần gì, hướng dẫn họ cách phòng chống lây nhiễm cho gia đình ra sao, theo dõi tình trạng bệnh tật, hướng dẫn uống thuốc, liều lượng ra sao, tác dụng phụ là gì, cách nghỉ ngơi, ăn uống và nâng cao thể trạng, khi nào cần thông báo cơ quan y tế, F0 có được cấp thuốc kháng virus sớm hay không... là những vấn đề mà F0 chưa thật sự được quan tâm.
Theo thống kê tỷ lệ tử vong cao, tập trung nhiều ở nhóm chưa tiêm vắc xin và có bệnh nền là vấn đề cấp thiết mà ngành y tế thành phố này cần giải quyết, PGS Hùng nhấn mạnh với chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ ở TP.HCM hiện nay hi vọng sẽ sớm giải quyết được tình trạng tử vong hơn.
PGS Đỗ Văn Dũng – Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng tỷ lệ người bị nhiễm ở TP.HCM cao nhưng so với tỷ lệ tử vong của thành phố hiện nay rõ ràng còn nhiều không giống xu thế của các thành phố khác trên thế giới.
PGS Dũng cho rằng rõ ràng thành phố còn “sót” nhiều người chưa được tiêm chủng vì vậy với việc đi từng ngõ, gõ từng nhà của thành phố hiện nay để tiêm vét vắc xin phải cần 2 – 3 tuần sau mới kiểm soát được vì lúc đó vắc xin mới phát huy tác dụng.
TP.HCM nên đẩy mạnh tuyên truyền và cấp phát thuốc cho F0 dùng đúng vì tình trạng dùng thuốc của các F0 vẫn còn nhiều bất cập, người bệnh còn lạm dụng thuốc rất nhiều đặc biệt là gói thuốc B. Gói thuốc này nên chỉ dùng ở cơ sở y tế có sự giám sát của cán bộ y tế - PGS Dũng nói.
Ngoài ra, thành phố nên nỗ lực để người dân dễ dàng tiếp cận với thuốc kháng virus hơn. F0 dùng thuốc kháng virus - mà cụ thể hiện nay là Molnupiravir - sẽ có tải lượng virus thấp hơn, giảm thấp nguy cơ lây cho người cùng nhà khi tự cách ly tại nhà, giảm nguy cơ nhập viện (từ đó giảm gánh nặng điều trị), mau hồi phục để tái hòa nhập hơn.
K.Chi