TPHCM: Thêm 2 phòng tư vấn, cai nghiện thuốc lá
Tại hội nghị hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá diễn ra sáng 27/5, Sở Y tế TPHCM dự kiến sẽ thành lập thêm 2 phòng tư vấn, cai nghiện thuốc lá.
Bác sĩ Trịnh Văn Hiệp, Ban chủ nhiệm Chương trình Phòng chống thuốc lá, Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM sẽ coi việc cai nghiện thuốc lá như việc điều trị một loại bệnh. Trong năm 2015, TPHCM sẽ thành lập thêm 2 phòng tư vấn, cai nghiện thuốc lá tại 2 bệnh viện để tạo điều kiện cho người dân có điều kiện được… cai nghiện thuốc lá một cách thuận tiện.
Như vậy, ngoài 3 phòng tư vấn cai nghiện đặt tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện đa khoa khu vực huyện Hóc Môn, TPHCM dự kiến sẽ mở thêm một phòng tư vấn cai nghiện tại Bệnh viện đa khoa Thủ Đức và Viện Y dược học Dân tộc.
Các phòng tư vấn, cai nghiện thuốc lá này được trang bị đầy đủ về phương tiện, máy đo, bố trí đủ cán bộ y tế…, điều trị cai nghiện cho các bệnh nhân bị các bệnh kết hợp tim mạch, huyết áp, tiểu đường…
Về kinh phí cho bệnh nhân cai nghiện thuốc lá, bác sĩ Hiệp cho biết, hiện chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ. Người dân phải tự chi trả, với 3 tháng điều trị bằng thuốc khoảng 5 triệu đồng.
Bác sĩ Vương Anh Tài – Phó phòng Nghiệp vụ Y – Sở Y tế TPHCM, cho biết, hiện nay, TPHCM đã thông qua phác đồ hướng dẫn, tư vấn, cai nghiện thuốc lá cho một số cơ sở y tế có đặt phòng cai nghiện.
Theo các nhà nghiên cứu, tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 đến 8 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh hút thuốc gây ra như: ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các bệnh tim mạch... Nguy cơ càng tăng nếu hút thuốc càng sớm.
Hút thuốc lá là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi. Người hút thuốc có tỷ lệ ung thư miệng cao gấp 27 lần và ung thư thanh quản cao gấp 12 lần người không hút thuốc. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư thận, bàng quang, bộ phận sinh dục, tụy, hậu môn và đại trực tràng.
15% người hút thuốc lá sẽ có triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 80 - 90% người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là nghiện thuốc lá. Người bị hen khi hút thuốc sẽ có tăng tiết đờm, giảm chuyển động của lông chuyển phế quản, tăng nhạy cảm với nhiễm trùng, tăng giải phóng các chất dị ứng tác dụng nhanh và phá hủy các đường dẫn khí nhỏ.
Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2 - 3 lần và thuốc lá cũng tương tác với các yếu tố khác làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch lên gấp nhiều lần: xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim, đột tử, nhồi máu cơ tim, phình động mạch chủ.
Tỷ lệ sinh đẻ ở phụ nữ hút thuốc thấp hơn khoảng 30% so với phụ nữ không hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ sẩy thai cao gấp 1,5 lần so với những người không hút thuốc.
Hút thuốc lá làm giảm khả năng tình dục ở nam giới, tăng nguy cơ vô sinh ở cả 2 giới; giảm số lượng tinh trùng và tăng nguy cơ rối loạn cương gấp 2 lần so với người không hút thuốc.
Hút thuốc thụ động (nói chính xác hơn là việc hít phải khói thuốc từ người khác) gây nguy hại cho mọi đối tượng nhưng nặng nhất là cho trẻ em, phụ nữ mang thai, vợ chồng... Nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 20 - 30% so với người bình thường. Khói thuốc thụ động làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân (dưới 2500g).
Ở trẻ em, hút thuốc thụ động sẽ bị viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, làm nặng thêm các triệu chứng của hen và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh.