TP.HCM thay mới toàn bộ xe buýt
TP.HCM thay mới toàn bộ xe buýt
Trong tháng 6 tới, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM sẽ trình UBND TP.HCM phê duyệt đề án Đầu tư xe buýt mới giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ nay đến năm 2015, TP sẽ đầu tư 1.680 xe buýt mới. Trong đó, 300 xe chạy bằng khí thiên nhiên CNG loại 80 chỗ ngồi; còn lại là xe chạy bằng diesel.
Từ năm 2013, TP.HCM sẽ mua thêm 300 xe buýt chạy bằng khí thiên nhiên CNG - Ảnh Duy Nguyên |
Riêng trong năm nay, sẽ đầu tư 222 xe mới. Dự kiến, tổng số xe thay thế cho các xe cũ đang hoạt động trên các tuyến xe buýt hiện nay là 1.520 xe và đầu tư thêm 160 xe cho 9 tuyến xe buýt mở lớn đến các khu hành chính, khu dân cư mới.
Nhu cầu vốn đầu tư xe buýt giai đoạn 2012 – 2015 là hơn 2.623 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn cho năm nay là 270,9 tỷ đồng.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, sẽ huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư đổi mới xe buýt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Vì thế, cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư để thu hút đông đảo các cá nhân, công ty, hợp tác xã đầu tư mua và kinh doanh xe buýt.
Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, hiện tại, rủi ro cho nhà đầu tư vào xe buýt rất cao, vì Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất vay cố định là 6,48%/năm, phần còn lại nhà đầu tư chịu. Trong trường hợp lãi suất ngân hàng tăng cao như hiện nay thì gánh nặng về lãi vay sẽ thuộc về nhà đầu tư.
Ông Thanh nhấn mạnh: “Mức độ đầu tư xe buýt thực tế trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mức hấp dẫn của và theo yêu cầu của Sở GTVT TP.HCM. Để khuyến khích đầu tư, nên cho các nhà đầu tư chỉ phải trả trước 30% giá xe, 70% còn lại do UBND TP hỗ trợ một phần lãi vay ngân hàng”.
Ngoài ra, trong thời gian qua, Nhà nước chưa quy định cụ thể về tiêu chuẩn xe buýt. Nhà đầu tư tự lựa chọn đơn vị cung cấp phương tiện nên dẫn đến tình trạng phương tiện không đồng bộ, quản lý phương tiện không tập trung, gây phức tạp trong việc thanh toán công nợ.
Sở GTVT TP đề nghị UBND TP giao cho Sở quy định và công bố chi tiết tiêu chuẩn kỹ thuật từng chủng loại xe buýt dựa trên các tiêu chuẩn ngành và phù hợp với đặc thù ở TP.HCM. Điều này không chỉ giúp thống nhất về kiểu dáng xe buýt mà còn thuận lợi cho việc bảo dưỡng, sửa chữa và định hướng cho nhà sản xuất ô tô.
Theo đó, xe buýt mới sẽ đảm bảo khí thải từ Euro III trở lên hoặc sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên nén CNG, thống nhất về kiểu dáng và màu sơn, có gắn thiết bị giám sát hành trình, bảng đèn điện tử thể hiện thông tin xe buýt, đảm bảo các tiêu chí an toàn như: xe buýt dừng hẳn thì cửa xe mới mở hoặc cửa đóng hẳn thì mới hoạt động…
Duy Nguyên