TP.HCM sẵn sàng di dời khoảng 250.000 người khi bão mạnh đổ bộ
Theo đó trong Quyết định ban hành Phương án phòng, tránh, ứng phó khi bão, bão mạnh – rất mạnh đổ bộ trực tiếp vào TP được ban hành mới đây, UBND TP. HCM yêu cầu trước khi bão mạnh – rất mạnh đổ bộ, các ngành, đơn vị, quận huyện phải tổ chức trực 24/24 để nắm diễn biến tình hình và dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Trong đó các đơn vị, sở, ngành được giao nhiệm vụ cụ thể như sau:
Cảnh đổ nát tại TP.HCM sau khi cơn bãoPakhar quét qua ngày 1/4/2012. |
Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP xác định các khu vực xung yếu để tập trung lực lượng thực hiện sơ tán, di dời dân. Tùy theo tình hình diễn biến của cơn bão mà đơn vị này phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông quyết định việc nhắn tin cảnh báo.
Về phía Bộ tư lệnh TP, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát PCCC. Sở Giao thông vận tải, Thanh niên xung phong, Thành đoàn sẽ bố trí cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị như ca nô, xe tải, xe chuyên dụng, nhà bạt, áo phao…để tham gia sơ tán, cứu hộ.
Bên cạnh đó Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng được giao thực hiện việc bắn pháo hiệu báo bão theo đúng quy định, và phối hợp cùng các đơn vị khác đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền, kiểm soát tại các cửa sông, cửa biển, bến tàu…tuyệt đối không để người dân ra khơi.
Nhiều đơn vị khác như Sở Du lịch, Sở Văn hóa thể thao, Sở Nông nghiệp và Phát triền nông thôn, Sở Công thương… cũng được chỉ đạo thực hiện phối hợp để thực hiện các hoạt động cứu trợ, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh.
Trong khi đó các phường, xã, thị trấn phải chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đóng trên địa bàn để tổ chức di dời, đảm bảo cung cấp các dịch vụ hậu cần cần thiết như lương thực, thực phẩm, nước sạch, thuốc men, bản vệ an ninh.
UBND TP cũng đưa ra hai phương án tổ chứ di dời khi bão đổ bộ trực tiếp vào TP. Trường hợp thứ nhất là khi bão đạt cấp 8 – 9 thì sẽ có khoảng hơn 60 ngàn hộ với hơn 240 ngàn nhân khẩu phải sơ tán. Trong đó huyện Cần Giờ có gần 2.000 hộ (khoảng 8.000 người).
Trường hợp thứ hai là khi bão đạt cấp 10 – 13, TP sẽ có khoảng 62 ngàn hộ với 249 ngàn nhân khẩu phải sơ tán. Trong cả hai trường hợp, quận Phú Nhuận sẽ là nơi phải sơ tán nhiều nhất với gần 29 ngàn người.
Về lực lượng huy động, TP dự kiến sẽ đảm bảo khoảng 29 ngàn đến 30 ngàn người. Trong đó lực lượng chuyên trách cấp TP khoảng 4 ngàn, lực lượng quận, huyện khoảng 9 – 10 ngàn, các đoàn thể, thanh niên tình nguyện khoảng 16 ngàn.
Cơn bão gần nhất đổ bộ vào TP.HCM và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ là bão Pakhar (ngày 1/4/2012). Cơn bão này đã làm sập và tốc mái gần 500 căn nhà, hơn 400 cây xanh bị đổ, 11 ghe thuyền bị chìm, gần 10 điểm ngập thuộc các quận Thủ Đức, quận 9, quận 12, Tân Phú, Tân Bình. Các căn nhà bị sập tập trung nhiều tại các quận Thủ Đức, Cần Giờ, quận 9, trong khi các cây xanh bị gãy đổ tập trung tại khu vực nội thành.
Cần Giờ là huyện chịu thiệt hại nặng nhất với gần 200 căn nhà bị sập và tốc mái, hơn 10 ghe, thuyền bị chìm cùng hơn 2.000 người dân phải đi sơ tán.
Trong khi đó, ở Đồng Nai, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh này cho biết, tại địa phương đã có 1 người chết, 4 người bị thương cùng gần 700 căn nhà bị tốc mái hoặc đổ sập. Thiệt hại nặng nhất thuộc về các huyện Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch với hàng trăm căn nhà tốc mái, hơn 20 bè cá bị trôi, cùng nhiều thuyền bị chìm, hư hỏng.
Tại Bình Dương, theo thống kê ban đầu, đã có gần 300 căn nhà bị bão làm hư hại, toàn bộ Thị xã Thủ Dầu Một đã bị mất điện đồng loạt từ 21h ngày 1/4 đến 12h ngày 2/4. Cùng với đó là hơn 2.500 cây cao su đang trong độ tuổi khai thác bị gãy đổ....