TP.HCM: Nước ngập vài mét trong hầm chung cư, ai bồi thường cho chủ xe?
Hầm chung cư thành ao sâu tới 3m
Ảnh hưởng của cơn bão số 9 Usagi gây mưa lớn trên diện rộng ở TP.HCM. Mưa lớn kết hợp triều cường khiến cho nhiều tuyến đường ngập nặng. Ngoài ra, không ít tầng hầm chung cư của nhà cao tầng đã biến thành ao.
Chung cư 44 Nguyễn Biểu (phường 1, quận 5, TP.HCM) sau khi bơm để lộ ra nhiều xe máy đã bị ngập nước nguyên 1 đêm |
Chiều 26/11, lực lượng cứu nạn – cứu hộ vẫn đang tích cực bơm nước từ tầng hầm chung cư số 44 đường Nguyễn Biểu (phường 1, quận 5). Cư dân tại đây cho biết, nước chảy mạnh vào tầng hầm chung cư, mạnh nhất là vào tối hôm qua. Một số người dân phát hiện kịp thời đã nhanh chóng đưa xe ra khỏi hầm. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm xe gắn máy bị nước nhấn chìm trong hầm.
Xe máy bị nhấn chìm tại chung cư cho thuê trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh. |
Chịu chung tình cảnh là những hộ dân tại chung cư Ngọc Khánh, số 21-23 Nguyễn Biểu, quận 5. Mực nước trong hầm chung cư này dâng cao tới 3 mét, hiện chưa thể thống kê có bao nhiêu xe ô tô và xe máy trong hầm, cư dân vẫn phải chờ lực lượng cứu hộ - cứu nạn hút hết nước ra.
Có chung cư tầng hậm bị ngập gần đến camera an ninh. |
Tại đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) - con đường có nhiều toà nhà cao tầng và khách sạn, tầng hầm của nhiều toà nhà cũng chịu chung số phận, trở thành ao chỉ sau 1 đêm, có nơi nước ngập cao 5 mét, cơ quan chức năng triển khai hút nước cả buổi chiều 26/11 nhưng vẫn chưa hút hết nước.
Tương tự, tại chung cư cho thuê số 71/5 và 71/6 Chu Văn An, quận Bình Thạnh, dù lực lượng cứu hộ đã phải dùng 3 máy bơm hoạt động hết công suất từ sáng đến chiều nhưng vẫn chưa “giải cứu” được hàng trăm xe gắn máy dưới hầm.
Ai bồi thường cho chủ xe?
Câu hỏi đặt ra là ai sẽ chịu trách nhiệm khi phương tiện của cư dân để ở tầng hầm chung cư bị hư hỏng do ngập nước?
Ai sẽ đền bù cho cư dân có xe bị ngập trong hầm chung cư? |
Trao đổi với Infonet, luật sư Nguyễn Thị Thiên Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, ở đây có hai trường hợp xảy ra. Một là chỗ để xe trong hầm chung cư được cư dân mua, thuê mua của chủ đầu tư, tức là cư dân được sở hữu chỗ để xe. Khi xảy ra sự cố ngập hầm thì cư dân tự chịu trách nhiệm. Nếu chủ xe có mua bảo hiểm thì đơn vị bảo hiểm có trách nhiệm chi trả bồi thường.
Trường hợp thứ hai là cư dân không mua chỗ để xe mà chỉ trả phí định kỳ để gửi xe. Lúc này chủ xe đã gửi xe và Ban quản lý chung cư nhận giữ xe, tức là hai bên đã xác lập hợp đồng gửi-giữ tài sản theo quy định tại Điều 554 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.
Theo luật sư Thiên Thanh, khoản 2 Điều 556 BLDS 2015 quy định về quyền của bên gửi tài sản là “Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”; khoản 4 Điều 557 quy định về nghĩa vụ của bên giữ tài sản là “Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”.
Như vậy, Ban quản lý chung cư phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ xe khi xe của họ bị hư hỏng khi bị ngập nước. Ban quản lý toà nhà chỉ được loại trừ trách nhiệm dân sự nếu chứng minh mình thuộc trường hợp bất khả kháng.
Khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Luật sư Thiên Thanh cho rằng, ảnh hưởng của bão dẫn đến mưa to, nước mưa tràn vào khiến tầng hầm bị ngập thì không thể xem là trường hợp bất khả kháng, bởi khi có thông tin về tình hình thời tiết, Ban quản lý toà nhà phải có trách nhiệm lập phương án dự phòng và sử dụng biện pháp chống ngập cho tầng hầm.
“Ban quản lý toà nhà phải chứng minh sau khi có thông tin cơn bão đã có phương án ứng phó như thế nào? Nếu đã triển khai các phương án mà không xử lý được thì đó mới là sự việc bất khả kháng. Còn biết bão đến nhưng Ban quản lý không làm gì và khi xảy ra thiệt hại thì họ phải có trách nhiệm”, luật sư Thiên Thanh khẳng định.