TP.HCM: "Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông xuất phát từ ý thức chiếm 90%"
Theo ông Tường, tai nạn giao thông xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân xuất phát từ ý thức chiếm gần 90% tổng số vụ với các lỗi điển hình là không đội mũ bảo hiểm, nồng độ cồn, quá tốc độ… “Muốn kéo giảm tai nạn giao thông, TP.HCM phải đảm bảo các chính sách tuyên truyền, cưỡng chế phù hợp, mức xử phạt cần tăng nặng mới đủ sức răn đe”, ông Tường nói.
Tai nạn giao thông xảy ra do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân xuất phát từ ý thức chiếm gần 90%. |
Cũng theo ông Tường, máy móc sử dụng trong giao thông cũng phải ngày càng hiện đại theo đề xuất của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - Đường sắt (PC08), công an TP.HCM, để dễ dàng ghi hình, cho người vi phạm kiểm tra lại bất cứ lúc nào. Số máy đo nồng độ cồn cũng phải được sử dụng loại công nghệ cao, đo theo chuẩn quốc tế.
Mới đây, Ban ATGT TP.HCM vừa trao 10 máy đo nồng độ cồn thế hệ mới, ứng dụng công nghệ cao. Các máy đo này hoạt động cho ra kết quả nhanh chóng, chính xác mà không cần dùng đến ống thổi.
Theo báo cáo của PC08, trong 11 tháng năm 2019, trên địa bàn TP.HCM xảy ra 645 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên, làm chết 594 người và bị thương 144 người. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 98 vụ (-13%), giảm 87 người chết (-13%) và giảm 57 người bị thương (-28%). |
Theo Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP), thời gian tới, GRSP sẽ phối hợp với PC08 công an TP.HCM, thực hiện thí điểm triển khai kéo giảm tai nạn giao thông tại một số quận, huyện có tình hình giao thông phức tạp, tai nạn giao thông cao, vi phạm tốc độ, nồng độ cồn cao và nhân rộng ra toàn thành phố.
Theo khuyến nghị từ sáng kiến an toàn giao thông đường bộ toàn cầu do quỹ Bloomberg tài trợ, để tăng cường hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần tăng cường kiểm soát vấn đề uống rượu bia và lái xe; tăng cường truyền thông đại chúng chủ đề đội mũ bảo hiểm đúng cách, cài dây an toàn đặc biệt cho nhóm người ngồi sau, trẻ em và phụ nữ; vận động chính sách yêu cầu bắt buộc sử dụng ghế ngồi xe ô tô cho trẻ em ngồi ghế sau xe ô tô.
Dự án sáng kiến an toàn giao thông đường bộ toàn cầu BIGRS do Quỹ Bloomberg tài trợ, giai đoạn kéo dài từ 2015 - 2019. Theo đó, dự án này sẽ tiến hành các cuộc khảo sát về giao thông đường bộ tại TP.HCM và 9 TP khác trên thế giới. Các đơn vị khảo sát tiến hành quan sát, thực hiện các bài kiểm tra về tỷ lệ người vi phạm nồng độ cồn, tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm đúng cách, tỷ lệ vượt quá tốc độ quy định. Căn cứ vào các số liệu đã khảo sát từ năm 2015 đến nay, BIGRS sẽ có phương án hỗ trợ máy móc, thiết bị cho lực lượng CSGT TP.HCM có thể xử lý hiệu quả các vi phạm giao thông. |