TPHCM: Hơn một nửa sản phẩm nước đá nhiễm bẩn
Vận chuyển nước đá không đảm bảo vệ sinh |
Ông Huỳnh Lê Thái Hoà, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM cho biết, nhiều cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn thành phố sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh, chủ yếu từ nguồn nước ngầm nên không thể quản lý được chất lượng.
Chi Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, theo con số thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố có khoảng 193 cơ sở sản xuất kinh doanh nước đá, trong đó có 114 cơ sở sử dụng nước giếng trong sản xuất nước đá. Mặc dù có khoảng 79 cơ sở sản xuất nước đá sử dụng nước máy nhưng có đến 27 cơ sở không tiến hành xác minh nguồn nước máy sử dụng. Riêng số đơn vị sử dụng nước giếng nhưng không thực hiện xét nghiệm lên đến 64 cơ sở. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong sản xuất nước đá là rất lớn. Đặc biệt, nếu hàm lượng các loại kim loại nặng nhiều sẽ gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo như: ung thư, đột biến… Kết quả kiểm tra 193 cơ sở sản xuất nước đá cho thấy, có đến 83 cơ sở không đạt yêu cầu.
Nói về chất lượng nguồn nước trong sản xuất nước đá, đại diện Công ty Thanh Trân (quận 8) cho rằng, doanh nghiệp rất muốn chuyển sang dùng nguồn nước máy nhưng giá thành của nước máy quá cao. Với giá trung bình 19.000 đồng/khối thì doanh nghiệp có rất ít lợi nhuận. Theo lý giải của công ty này, nước giếng thường được lấy ở độ sâu cả mấy trăm mét thì không thể có ô nhiễm hay vi sinh, bên cạnh đó công ty vẫn áp dụng nhiều công đoạn lọc sỏi, ion, xử lý bằng tia cực tím… nên đảm bảo chất lượng nguồn nước (?).
Thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp sử dụng nước giếng khoan để sản xuất nước đá thì chi phí kiểm nghiệm chất lượng thường cao hơn nước máy. Bởi vì dù có kiểm nghiệm nhiều đến đâu giá đầu vào của nước giếng cũng thấp hơn nước máy. Đây chính là lý do tại sao hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh nước đá sử dụng nước giếng khoan.
Trung bình mỗi ngày, TP. HCM tiêu thụ khoảng 500 tấn nước đá. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, qua kiểm tra cho thấy có đến 54% sản phẩm nước đá bị nhiễm vi sinh. Chi cục đã tiến hành xử lý 22 cơ sở sản xuất nước đá với tổng số tiền phạt là hơn 153 triệu đồng. Trong đó, chủ yếu vi phạm về điều kiện sức khỏe, vệ sinh cơ sở, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến nước đá... Ngoài ra, ở khâu phân phối, phương tiện vận chuyển sản phẩm nước đá từ nơi sản xuất đến các cơ sở kinh doanh cũng chưa đảm bảo quy định làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Nhằm đảm bảo chất lượng nước đá đến tay người tiêu dùng, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm yêu cầu doanh nghiệp nên chuyển đổi bao bì từ PP (polypropylen) sang bao PE (polyetylene). Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp không đồng tình bởi theo họ, nếu dùng bao PE, chi phí giá thành bị đội lên cao hơn nữa. Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện nay chưa có nhiều nhà cung cấp có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn đối với sản phẩm bao bì PE.